Lỗ vượt kế hoạch năm, VNG vừa bị phạt thêm 85 triệu đồng
Vừa qua, Thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần VNG (Mã VNZ) do có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
VNG bị xử phạt tổng cộng 85 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên soát xét năm 2023. Bên cạnh đó, công ty cũng đã công bố thông tin không đúng thời hạn đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2022 được kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2022.
Việc VNG bị xử phạt do chậm công bố thông tin diễn ra trong bối cảnh đơn vị này đang kinh doanh thua lỗ tại Quý 3/2023 gần nhất.
Kết quả kinh doanh Quý 3 ghi nhận doanh thu đạt 2.332,9 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 997,6 tỷ đồng, tăng 3,7%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 44,9% xuống còn 41,9%.
Doanh thu tài chính trong kỳ tăng lên 28,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tăng 21,9%. Chi phí tài chính đồng thời tăng lên 52,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ ghi nhận ở mức 700 triệu đồng. Chi phí lãi vay hiện cũng đang chiếm 29,4 tỷ đồng.
Trong Quý 3, chi phí bán hàng của VNZ chiếm 718,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 334,9 tỷ đồng, giảm gần 12%. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh tại các công ty liên kết cũng ghi nhận thua lỗ 29,4 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế Quý 3 của VNZ ghi nhận lỗ 117 tỷ đồng, đã giảm hơn so với khoản lỗ 141,5 tỷ đồng cùng kỳ. Luỹ kế doanh thu 9 tháng của VNG đạt 6.431,3 tỷ đồng. Công ty hiện đang lỗ luỹ kế 465,1 tỷ đồng. So sánh với kế hoạch năm 2023 thì hiện tại VNG đã lỗ 82,2% so với kế hoạch đề ra.
Tăng cường nợ vay ngắn hạn 16,4 lần
Tại cuối Quý 3/2023, tổng tài sản của VNZ đạt 9.756,3 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 1.000 tỷ đồng, lên 3.665,7 tỷ. Bù lại, các khoản tiền gửi ngắn hạn lại giảm từ 445,5 tỷ xuống chỉ còn 108,7 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1.222,3 tỷ đồng. Trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng có xu hướng gia tăng lên 693,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho chỉ chiếm 75,9 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn của VNG, nợ phải trả chiếm 5.097 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 52,2% tổng nguồn vốn. Trong đó, chỉ tiêu về vay nợ ngắn hạn của công ty có xu hướng gia tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Chỉ tiêu vay nợ ngắn hạn đã tăng tới 16,4 lần, từ 44,4 tỷ lên 729,5 tỷ đồng.
Nợ dài hạn cũng đồng thời gia tăng gấp rưỡi, từ 999,2 tỷ đồng lên 1.309,8 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu đến từ vay nợ dài hạn, tăng từ 399,6 tỷ lên 619,5 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 55%.
Ghi nhận về vốn chủ sở hữu của VNG giảm từ 5.114,6 tỷ xuống chỉ còn 4.659,3 tỷ đồng. Công ty cũng đang âm thặng dư vốn cổ phần 409,8 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cũng chiếm 4.684,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.