VN-Index trải qua tuần kịch tính, chuyển động mới tại vụ thao túng cổ phiếu “họ” FLC
Cuối tuần qua, bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đã được cơ quan điều tra công bố, trong đó đề nghị truy tố 7 cán bộ ngành chứng khoán.
Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan đã được công bố. |
Đề nghị truy tố nhiều cán bộ ngành chứng khoán liên quan vụ thao túng cổ phiếu họ FLC
Cuối tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Liên quan tới vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định nhiều cá nhân thuộc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Theo bản Kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 bị can tại Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM, về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ba bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng, thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị khởi tố về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, quy định tại khoản 2, Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố 51 bị can theo quy định của pháp luật.
Đảo chiều rơi sâu trong phiên giao dịch cuối tuần
Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch kịch tính, đặc biệt trong phiên cuối cùng của tuần (23/2). VN-Index đã có thời điểm vượt mốc 1.240 điểm đầu giờ chiều thứ Sáu nhưng bất ngờ “đổ đềo” sau đó. Đà giảm lan rộng ở hầu hết các nhóm, bao gồm cả nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index giảm về gần 1.210 điểm khi đóng cửa và cũng là mức thấp nhất trong ngày. Chỉ số sàn HoSE giảm 15,3 điểm trong cả phiên nhưng thực tế đã giảm tới hơn 30 điểm so với mức đỉnh đạt được.
Phiên cuối tuần cũng đã đánh bay gần hết nỗ lực cả tuần qua. Trước đó, VN-Index bật tăng hơn 15 điểm ở phiên đầu với động lực lớn nhất từ cổ phiếu họ Vin, trước thông tin Vinfast được Ấn Độ cấp đất xây dựng nhà máy. VN-Index thực tế đã “rung lắc” khá mạnh các phiên giữa tuần nhưng vẫn kịp kéo dài chuỗi tăng đến phiên 21/2, sau đó giảm nhẹ phiên 22/2 và rơi sâu cuối tuần.
VN-Index khép lại tuần qua ở mức 1.212 điểm, tăng 0,2% so với tuần trước; trong khi chỉ số HNX-Index giảm 0,69% về 231,1 điểm và UPCOM-Index tăng nhẹ 0,07% để đóng cửa tại 90,2 điểm.
Theo thống kê của bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect, nhân tố chính hỗ trợ thị trường tuần này là (+7,1%); VRE (+13,1%) và TCB (+4,2%); trong khi đó, VCB (-0,8%); MWG (-4,9%) và VPB (-1,8%) gây áp lực lên chỉ số chung.
Theo nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, áp lực chốt lời đã tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua sau khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự quanh 1.240 điểm.
“Việc thị trường áp sát vùng kháng cự mạnh và thông tin lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong một vài phiên gần đây đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và kích hoạt làn sóng chốt lời”. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích từ VNDirect cho rằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên thời gian qua chỉ là tạm thời do sự thiếu hụt thanh khoản cục bộ , không đại diện cho bức tranh chung của hệ thống. Cùng với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.
Điểm sáng thanh khoản và sự trở lại của vốn ngoại nhờ cổ phiếu BHI
Tuần qua, giá trị giao dịch trên ba sàn tăng 29% so với tuần trước lên 26.000 tỷ đồng/phiên, do dòng tiền quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ. Điểm sáng tuần này còn là sự quay trở lại mua ròng của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch sôi động hơn ở nhiều phiên giao dịch, ở cả chiều mua và bán.
Tuy nhiên, yếu tố đột biến trong tuần này cần nhắc tới là giao dịch tại cổ phiếu BHI. DB Insurance Co., Ltd – một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc đã mua 75 triệu cổ phiếu BHI của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội bằng nhiều lệnh thoả thuận trong 15 phút đầu phiên 19/2. Chỉ riêng giao dịch này đã có tổng giá trị gần 1.630 tỷ đồng.
Khối ngoại liên tục bán ròng trong ba phiên gần đây. Động thái bán ròng mạnh của khối ngoại, tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn cũng gây áp lực lên VN-Index trong cú rơi sâu phiên thứ Sáu vừa qua.
Phạt công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam
Ngày 23/02/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 79/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam với mức phạt 85.000.000 đồng.
Nguyên nhân do thực hiện giao dịch tài sản cho khách hàng ủy thác đầu tư với giá trị giao dịch trong năm thông qua một công ty chứng khoán vượt quá giới hạn về tỷ lệ tổng giá trị giao dịch trong năm của khách hàng ủy thác. Trong năm tài chính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ giao dịch của Quỹ ETF KIM Growth VN30 qua Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam trên tổng giá trị giao dịch của Quỹ lên tới 74,46%.
Chứng khoán KIS trần tình vì bị mạo danh
Cũng liên quan đến Chứng khoán KIS Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nhận được báo cáo của công ty chứng khoán này về việc một số cá nhân giả mạo là nhân viên của KIS lập hội, nhóm trên zalo với tên gọi “Nhóm Zalo: (A221). Giao lưu phân tích đầu tư chứng khoán; YY03 XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN”. Nhóm này đã dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển báo cáo của KIS đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý và lưu ý nhà đầu tư khi truy cập vào địa chỉ mạng xã hội trên.