Lần thứ ba trong năm 2024, VN-Index chạm mốc 1.300 điểm, nhưng tiếp tục chinh phục bất thành ở phiên 1/10. Áp lực bán tiếp tục xuất hiện mạnh khi VN-Index tiến đến ngưỡng này và khiến nhiều nhóm ngành cổ phiếu suy yếu.
Kết thúc quý III/2024 ở mức 1.287,94 điểm, tăng 3,42% so với quý II và tăng 13,98% so với cuối năm 2023, VN-Index duy trì trong sắc đỏ ở phần lớn thời gian của phiên giao dịch cuối cùng của quý, tuy nhiên lực cầu giá thấp vẫn khá tốt và giúp hỗ trợ thị trường chung.
Bước sang phiên giao dịch ngày 1/10, giao dịch trên thị trường diễn ra có phần khởi sắc khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tăng giá và kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. VN-Index tiếp tục có 2 lần ở phiên hôm nay vượt mốc 1.300 điểm, nhưng tương tự như các lần trước đó, chỉ số vẫn vấp phải áp lực bán mạnh ở vùng này và đều có sự sụt giảm trở lại. Thậm chí, VN-Index đóng cửa ở vùng thấp nhất phiên khi hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu đuối sức ở cuối phiên.
Tâm điểm phiên hôm nay thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng khi những cái tên như VIB, SSB, TCB… đồng loạt tăng giá mạnh và giữ được sự tích cực xuyên suốt phiên dù áp lực bán diễn ra mạnh ở những phút cuối. Trong đó, VIB chốt phiên tăng đến 2,6% với thanh khoản đột biến khi khớp lệnh kỷ lục với hơn 33 triệu đơn vị. VIB đứng thứ 5 trong danh sách tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 0,36 điểm. TCB tăng 1,86% và là mã đóng góp nhiều nhất cho chỉ số với 0,77 điểm.
Bên cạnh đó, VHM sau khi bị bán mạnh ở phiên hôm qua thì bất ngờ được kéo mạnh và tăng 1,5%. VHM đóng góp 0,68 điểm cho VN-Index. Hai cổ phiếu cũng thuộc họ “Vin” là VIC và VRE cũng đều tăng giá. VIC tăng 0,7%, VRE tăng 1,6%.
Top 10 cổ phiếu tác động đến VN-Index. |
Một số các cổ phiếu lớn khác như FPT, MSN, HPG… cũng tăng giá tốt. FPT tăng hơn 1%, HPG tăng 1,5%. Riêng nhóm thép, nhiều cổ phiếu nhận được lực đẩy tốt ở đầu phiên, tuy nhiên, áp lực bán mạnh xuất hiện vào thời gian cuối phiên đã khiến nhiều mã đảo chiều. Trong đó, VGS giảm 1,5% dù có lúc tăng đến 2,6%. NKG và HSG đều kết phiên ở mức giá tham chiếu.
Ở nhóm chứng khoán, một số cổ phiếu như BSI, SHS, VIX, VDS… gây chú ý với nhà đầu tư khi đồng loạt tăng giá mạnh. BSI tăng 4,6%, SHS tăng 3,9%, VIX tăng 2,9%. Ủy ban chứng khoán Nhà nước chính thức công bố thông tin về Thông tư 68/2024/TT-BTC do Bộ Tài chính vừa ban hành, trong đó có nội dung nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép đặt lệnh mua cổ phiếu mà không yêu cầu đủ tiền từ 2/11.
Tuy nhiên, sự phân hóa ở nhóm chứng khoán diễn ra mạnh hơn vào cuối phiên trong đó, VCI đảo chiều giảm 0,5%, SSI cũng giảm gần 0,4%, FTS lùi về đứng ở mốc tham chiếu.
Dòng tiền cũng có sự luân chuyển ở nhóm ngân hàng khi CTG, VPB, HDB, TPB hay MBB giảm giá ở phiên hôm nay. CTG giảm đến 1,22% và lấy đi của VN-Index nhiều nhất với 0,59 điểm. VPB giảm 1% và lấy đi 0,39 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,26 điểm (0,33%) lên 1.292,2 điểm. Toàn sàn có 270 mã tăng, 125 mã giảm và 76 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,14 điểm (0,49%) lên 236,05 điểm. Toàn sàn có 97 mã tăng, 72 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index không giữ được sắc xanh mà giảm 0,28 điểm (-0,3%) xuống 93,28 điểm. Các cổ phiếu gây áp lực lớn đối với UPCoM-Index là DNH, MCH, ACV hay BSR.
Khối ngoại mua ròng là một trong các điểm sáng của thị trường. |
Tổng khối lượng giao dịch ở sàn HoSE đạt 982 triệu cổ phiếu, trị giá 21.891 tỷ đồng, tăng 34% so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1,500 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt đạt 2.225 tỷ đồng và 987 tỷ đồng.
Không chỉ sự gia tăng về thanh khoản, điiểm sáng khác của phiên là khối ngoại mua ròng trở lại gần 700 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE. Trong đó, dòng vốn này mua ròng mạnh nhất mã TCB với 360 tỷ đồng. FPT cũng được mua ròng 329 tỷ đồng. VHM và MWG được mua ròng lần lượt 174 tỷ đồng và 164 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HDB bị bán ròng mạnh nhất với 95 tỷ đồng. VPB đứng sau với giá trị bán ròng là 88 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/vn-index-tiep-tuc-that-bai-truoc-moc-1300-diem-d226331.html