VN-Index biến động bứt phá; thị trường tiến tới 1.300 điểm; PNJ duy trì doanh thu tích cực; Vincom Retail rời Vingroup, đón “nữ tướng” trở lại; lịch trả cổ tức…
VN-Index lập kỷ lục mới
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 5,28 điểm, tương đương 0,42% so với phiên trước đó, lên 1.281,8 điểm, trở về vùng đỉnh cũ tháng 8/2022. VN-Index trải qua 1 tuần biến động với chỉ số tăng hơn 18 điểm, tương đương với 1,43% tăng.
Sàn HNX đạt 241,68 điểm tăng 0,9%, riêng sàn UPCoM giảm nhẹ 0,4% tại 90,96 điểm sau 1 tuần giao dịch.
Thanh khoản thị trường liên tục ghi nhận con số đáng chú ý. Riêng phiên cuối tuần, thanh khoản toàn thị trường đạt 38.000 tỷ đồng, trong đó giá trị riêng sàn HOSE là 34.734 tỷ – tương ứng 1.378 triệu cổ phiếu, cao hơn 18% so với thanh khoản 1 tháng qua.
Nhóm ngành ngân hàng tiếp tục dẫn dắt thị trường với nhiều mã tăng mạnh. Điển hình với đà tăng tích cực phiên cuối tuần qua đến từ BID (BIDV, HOSE), CTG (Vietinbank, HOSE), MBB (MBBank, HOSE), VCB (Vietcombank, HOSE)… Thanh khoản của nhóm cũng đạt ngưỡng cao, chiếm gần 25% tổng giá trị khớp sàn HOSE.
Tính chung cả tuần, nhóm ngân hàng đóng vai trò làm trụ đà tăng thị trường với TCB (Techcombank, HOSE) đóng góp 5,13 điểm tăng, kế tiếp là MBB (MBBank, HOSE), ACB (ACB, HOSE), VIB (VIB, HOSE)…
Ngoài ra, thị trường chứng kiến sóng trỗi dậy từ GEX (Tập đoàn GELEX, HOSE) vào phiên cuối tuần qua, đạt thanh khoản cao nhất thị trường với 58,6 triệu cổ phiếu sang tay, tương đương 1.455,3 tỷ đồng, ngưỡng thanh khoản cao nhất lịch sử, tăng gần 6% giá trị.
Ở khía cạnh khác, khối ngoại đã có tuần giao dịch sôi động nhưng chủ yếu đến từ động thái bán ròng mạnh.
Nhận định và khuyến nghị
Sau biến động tăng tích cực, các ý kiến nhận định thị trường có nhiều sự trái chiều.
Chứng khoán VCBS đánh giá trị trường còn nhiều tích cực, sẽ sớm tiếp cận vùng điểm 1.300 – 1.310 điểm, nhưng trước khi có nhịp tăng mới, VN-Index vẫn có xác xuất sẽ tiếp tục rung lắc tích luỹ. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên tận dụng những phiên rung lắc điều chỉnh để cơ cấu lại danh mục theo hướng ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt lợi nhuận mục tiêu, hoặc chưa có bứt phá vùng kháng cự. Một số nhóm ngành đáng chú ý như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Chứng khoán TPS nêu, VN-Index tiệm cận ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, nhà đầu tư duy trì tâm lý cẩn trọng ở vùng điểm từ 1.280 – 1.300 điểm. Theo đó sẽ có 2 kịch bản trong tuần tới cho thị trường, xu hướng tăng và xu hướng trung tính.
Chứng khoán BSC thì cho rằng, phiên giao dịch cuối tuần (22/3) cho thấy thị trường xuất hiện sự giằng co tại ngưỡng 1.280 điểm, nhà đầu tư nên cẩn trọng, chỉ số có thể tiếp tục tích lũy quanh ngưỡng này hoặc có thể chịu áp lực bị đẩy xuống.
Chứng khoán SSI nhận định, VN-Index duy trì đà tăng nhưng đã có phần hạ nhiệt, chỉ số có thể sẽ tạm chứng lại và tích lũy ở biên độ 1.272 – 1.258 điểm.
PNJ duy trì doanh thu tích cực 2 tháng đầu năm
Doanh thu của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ, HOSE) trong 2 tháng đầu năm đạt 8.478 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, xấp xỉ mức kỷ lục năm ngoái 555 tỷ đồng.
Được biết, nguyên nhân do doanh thu của PNJ tháng 2 chủ yếu từ bán vàng miếng 24K nhờ vào thời điểm ngày vía Thần tài và giá vàng tăng mạnh. Song, vàng miếng là mặt hàng có biên độ lợi nhuận thấp và hầu như doanh nghiệp trong ngành không hưởng lợi quá nhiều từ mảng này.
Tại sàn, PNJ đang có diễn biến khá tích cực từ đầu năm đến nay, tăng 15,2% so với thời điểm cuối năm ngoái tại thị giá 98.500 đồng/cp.
Thế giới Di động tăng 14% doanh thu 2 tháng đầu năm
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG, HOSE) công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm với tổng doanh thu đạt 21.613 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng doanh thu chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh đạt 14.900 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, mặc dù doanh nghiệp đã mạnh tay đóng hơn 210 cơ sở so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu online đạt 2.500 tỷ đồng.
Nổi bật với chuỗi Bách Hóa Xanh đạt hơn 6.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 47% so với cùng kỳ khi trước đó, năm 2023, thương hiệu này từng lỗ ròng 1.200 tỷ đồng.
Ghi nhận tại sàn, MWG đang có diễn biến tích cực, duy trì vai trò trong nhóm làm trụ đà tăng thị trường tại thị giá 49.100 đồng/cp.
Loạt biến động trước thêm Đại hội đồng cổ đông
Ngân hàng TMCP An Bình – ABBank (ABB, HOSE) công bố quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Mạnh Quân từ ngày 20/3. Biến động này ngay sát ngày tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, ngày 5/4.
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LPBank (LPB, HOSE) bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp từ ngày 20/3 đối với bà Vũ Nam Hương. Theo đó, LPBank dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 27/3 tới.
CTCP FPT (FPT, HOSE) bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc cho ông Phạm Minh Tuấn từ ngày 13/3. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 10/4.
Vincom Retail không còn thuộc Vingroup, đón “nữ tướng” trở lại
Gần đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Vingroup (VIC, HOSE) công bố việc Vingroup và các công ty con sẽ rút vốn khỏi Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI (SDI sở hữu 99% vốn của CTCP Thương mại Sado Sading – cổ đông nắm giữa 41,5% cổ phần của Vincom Retail).
Dự kiến, sau giao dịch, Công ty SDI, Công ty Sado và Vincom Retail (VRE, HOSE) không còn là công ty con thuộc Vingroup.
Vingroup vẫn sẽ duy trì nắm giữ khoảng 19% cổ phần của Vincom Retail. Ban lãnh đạo cho biết sẽ không có sự thay đổi nào trong các hoạt động kinh doanh của VRE và VRE sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược với các công ty trong hệ sinh thái Vingroup.
Ngoài ra, ngày 18/3 vừa qua, HĐQT Vincom Retail đã miễn nhiệm Tổng Giám đốc công ty với bà Phạm Thị Thu Hiền. Đồng thời, bổ nhiệm bà Trần Mai Hoa (Thành viên HĐQT) giữ chức vụ Tổng Giám đốc Vincom Retail nhiệm kỳ 2024-2029, kiêm người thực hiện công bố thông tin, Phó Chủ tịch HĐQT Vincom Retail nhiệm kỳ 2024-2028.
Năm nay, Vincom Retail đặt kế hoạch mở thêm 6 TTTM với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 160.000 m2. Hầu hết trong số đó được đặt tại các khu dân cư đô thị do Vinhomes (VHM, HOSE) phát triển.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 8 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần này. Tất cả các doanh nghiệp đều chốt quyền trả cổ tức bằng hình thức tiền mặt.
Tỷ lệ trả cao nhất là 20%, thấp nhất là 3%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 25 – 31/3
* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền – là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông…). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty
Mã CK | Sàn | Ngày GDKHQ | Ngày TH | Tỷ lệ |
---|---|---|---|---|
NBE | UPCOM | 25/3 | 9/8 | 11% |
PGS | HNX | 25/3 | 5/4 | 15% |
TMW | UPCOM | 25/3 | 31/5 | 10% |
VTC | HNX | 26/3 | 24/4 | 7% |
HJS | HNX | 27/3 | 10/4 | 10% |
HTC | HNX | 28/3 | 10/4 | 3% |
CCM | UPCOM | 29/3 | 1/4 | 20% |