Áp lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột như VPB, VIC, HPG… đã khiến VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm. Hơn 1,13 tỷ cổ phiếu giao dịch trong phiên, trong đó có tới hơn 84 triệu cổ phiếu ABB được “sang tay”.
Sắc xanh đã quay trở lại sau phiên biến động liền trước. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường vẫn liên tục gặp thử thách khi VN-Index tiến đến vùng đỉnh cũ. Dù vậy, lực cầu vẫn tỏ ra tương đối khỏe và giúp chỉ số duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên sáng.
Sau khoảng 2 giờ giao dịch, áp lực bán có phần mạnh lên và lực cầu vẫn tỏ ra yếu nên khiến VN-Index đảo chiều trở lại. Áp lực trở nên lớn hơn vào phiên chiều khi hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá sâu.
Tâm điểm của sự chú ý trong phiên hôm nay thuộc về nhóm vốn hóa lớn đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Trong nhóm VN30 có đến 24 mã giảm giá trong khi chỉ có vỏn vẹn 5 mã tăng. VJC là cổ phiếu giảm mạnh nhất với hơn 3% dù vậy VJC không nằm trong top 8 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất cho VN-Index. Thay vào đó, VPB lấy đi của chỉ số này 1,02 điểm khi giảm đến gần 2,7%. Tương tự, VIC cũng giảm hơn 2% và lấy đi 0,95 điểm. Điểm khá chú ý là có thời điểm trong phiên, VIC leo lên mức 46.900 đồng/cp nhưng đóng cửa lại ở mức thấp nhất phiên với 45.500 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng như CTG, TCB hay VCB cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Cổ phiếu “quốc dân” HPG có phiên giao dịch tiêu cực khi giảm 1,7% và bị khối ngoại bán ròng 81 tỷ đồng. Cổ phiếu HPG bị bán mạnh ngay trước phiên giao dịch không hưởng quyền vào ngày mai (23/5). HPG sẽ phát hành thêm 581,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Ở chiều ngược lại, FPT là cái tên đóng góp nhiều nhất giúp kìm hãm lại đà giảm của VN-Index. FPT chốt phiên tăng 1,47% lên 138.000 đồng/cp. Mới đây, FPT công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 4 tháng đầu năm 2024 với lãi trước thuế 3.447 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và thực hiện được 31% kế hoạch năm. Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu FPT ước đạt 18.989 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ 2023. Lãi trước và sau thuế cùng tăng khoảng 20%, lần lượt đạt 3.447 tỷ đồng và 2.932 tỷ đồng. Lãi ròng ước đạt 2.455 tỷ đồng, tăng gần 22%. EPS tương ứng 1.933 đồng/cổ phiếu.
Caption ảnh |
Bên cạnh đó, HVN, LPB, PDR hay MWG là những cái tên có đóng góp tốt cho VN-Index ở phiên hôm nay. PDR tăng tốt gần 4% và giúp dòng tiền chảy tốt vào nhóm cổ phiếu bất động sản bất chấp những sự rung lắc mạnh của thị trường chung. Các mã bất động sản khác như HDC, IDJ, LDG, HPX, HDG… cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Đáng chú ý, HDC còn được kéo lên mức giá trần.
Nhóm chứng khoán nhìn chung cũng có được phiên giao dịch tích cực dù một số cái tên nổi bật như VCI, SHS, SSI, VND hay MBS kết phiên trong sắc đỏ. Ngược lại hàng loạt các cổ phiếu chứng khoán khác như APS, DSC, HCM, VDS, BVS hay BSI giữ được mức tăng giá tốt.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,23 điểm (-0,8%), xuống 1.266,91 điểm. Toàn sàn có 173 mã tăng, 291 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index giữ được sắc xanh khi tăng 1,86 điểm (0,76%) lên 245,15 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 80 mã giảm và 64 mã đứng giá. Việc HNX-Index giữ được sắc xanh là nhờ lức đỡ của các cổ phiếu như HUT, NTP hay NVB… UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (0,27%), lên 94,7 điểm.
Giao dịch của khối ngoại. |
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 1,13 tỷ cổ phiếu, trị giá 28.930 tỷ đồng, tăng 16% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3.630 tỷ đồng. Trong đó, hơn 84 triệu cổ phiếu ABB, tương đương 8,2% tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng TMCP An Bình đã được giao dịch thỏa thuận. Bên bán là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Sau khi hoàn thành giao dịch, ABBank chỉ còn cổ đông lớn nước ngoài Maybank – ngân hàng lớn nhất Malaysia với tỷ lệ sở hữu là 16,4%.
Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 2.760 tỷ đồng và 2.650 tỷ đồng.
HPG đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với gần 39,8 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, SHB và HAG khớp lệnh lần lượt 38,6 triệu đơn vị và 36,5 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 860 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VHM với 127 tỷ đồng. VIC và HPG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 115 tỷ đồng và 81 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã NLG với 61 tỷ đồng. HCM, DBC và PDR đều được mua ròng trên 40 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/vn-index-mat-hon-10-diem-dot-bien-giao-dich-co-phieu-abbank-d215833.html