VN-Index kết tuần đầy bất ngờ cho giới đầu tư khi thanh khoản tăng đột biến trong khi chỉ số giảm mạnh. Khối ngoại ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp bán ròng mạnh mẽ.
Chốt phiên cuối tuần (23/2) vừa qua, sau bao nỗ lực tăng điểm kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, VN-Index nhanh chóng mất hơn 15 điểm.
Trước đó, vào phiên sáng, thị trường tăng điểm tốt nhờ sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng như BID (Ngân hàng BIDV, HOSE) tăng trần, MBB (Ngân hàng MB, HOSE) tăng 3,1%, TCB (Ngân hàng Techcombank, HOSE) tăng 5%,… chỉ số lên cao nhất tại 1.240,8 điểm, tăng tương đương 13,5 điểm.
Song, tới phiên chiều, VN-Index xuất hiện lực bán mạnh, các cổ phiếu có đà tăng tốt đầu phiên cũng đảo chiều và chìm trong sắc đỏ. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên giảm với 414 cổ phiếu giảm điểm, 98 cổ phiếu tăng điểm và 45 cổ phiếu tham chiếu.
Kết quả, VN-Index giảm 15,3 điểm (-1,25%), chốt phiên với 1.212 điểm. Như vậy, chỉ trong một ngày giao dịch, biên độ dao động gần 30 điểm tại VN-Index với trạng thái đối lập tại hai phiên sáng – chiều đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư.
Đáng chú ý, mặc dù giảm điểm mạnh, thanh khoản lại tăng đột biến. Giá trị khớp lệnh tại riêng sàn HOSE đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương gần 1,2 tỷ USD. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất 6 tháng qua, kể từ phiên “rung lắc” vào tháng 9/2023.
Dẫn đầu lần lao dốc là nhóm cổ phiếu trụ thị trường, VN30 ghi nhận 11 mã giảm, 2 mã tăng: VIC (Vingroup, HOSE) giảm 5,04%, VHM (Vinhomes, HOSE) giảm 3,35%, CTG (Ngân hàng VietinBank, HOSE) giảm 1,4%,…
Đây cũng là nhóm ghi nhận lượng thanh khoản độ biến, gấp đôi phiên trước đó, hơn 13.700 tỷ đồng, mức cao nhất chưa từng có kể từ tháng 11/2021.
Trong đó, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng chịu áp lực xả mạnh: STB (Ngân hàng Sacombank, HOSE) với 1.045,5 tỷ đồng, giá giảm 1,29%; CTG (Ngân hàng VietinBank, HOSE) với 932,5 tỷ đồng, giảm 1,02%; TPB (Ngân hàng TPBank, HOSE) với 858,7 tỷ đồng, giá giảm 2,3%;…
Tổng giá trị khớp lệnh nhóm ngân hàng đạt tới 9.840 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, chỉ có 4 trong tổng 27 mã ở trạng thái “xanh”.
Trước diễn biến này, đa phần các chuyên gia đều cho rằng, đây là diễn biến bình thường từ thị trường, nhà đầu tư không nên quá lo lắng. Đại diện LCTC Investment cho biết, thị trường không bao giờ đi thẳng một đường mà sẽ đan xen tăng/giảm/điều chỉnh. Dựa trên phân tích biểu đồ và các tín hiệu vĩ mô đều vẫn tốt và ổn định, không có sự đột biến trong thay đổi chính sách điều hành, đây là một nhịp điều chỉnh nhưng chốt lời ở vùng giá cao hơn là một phiên đảo chiều xu hướng.
Đối với biến động của nhóm ngân hàng, đại diện LCTV Investment cho rằng, nhịp điều chỉnh này là cần thiết do nhóm ngân hàng đã tăng mạnh 10-20% từ đầu năm, nhiều ngân hàng vượt đỉnh kể từ đầu năm 2022 nên áp lực chốt lời khá lớn, đây là điều có thể lường trước.
Thực tế này cho thấy khả năng duy trì độ phân hóa ở cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nâng đỡ điểm số. Nếu VN-Index sụt giảm với biên độ lớn (có thể do nhóm cổ phiếu trụ tác động), điều này sẽ khiến tâm lý giới đầu tư suy yếu và gia tăng các giao dịch bán tháo.
Bên cạnh chỉ số giảm mạnh, thị trường còn chứng kiến phiên bán ròng khủng thứ hai liên tiếp từ khối ngoại, đạt 789 tỷ đồng toàn thị trường.
Riêng sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng khoảng 767 tỷ đồng, tâm điểm tại VPB (VPBank, HOSE) và MWG (Thế giới di động, HOSE), lần lượt là 195 tỷ đồng và 183 tỷ đồng.
Nối tiếp là VIX (Chứng khoán VIX, HOSE), TPB (Ngân hàng TPBank, HOSE) và MSN (Tập đoàn Masan, HOSE).
Theo thống kê, đây là năm thứ 4 liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng mạnh vào tháng 2, bởi thông thường, thị trường đầu năm, sau Tết Nguyên đán có diễn biến tích cực và khởi sắc, do vậy động thái xả hàng sau Tết của khối ngoại phần nào đó mang tính chốt lời. Quan sát cho thấy, VN-Index đã tăng gần 10% từ đầu năm 2024. Vì thế, áp lực chốt lời của khối ngoại là điều dễ đoán sau khi đã mua ròng giai đoạn trước Tết.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường điều chỉnh giảm mạnh về chỉ số điểm sau một thời gian tăng dài cùng thanh khoản tăng vọt là dấu hiệu của phiên phân phối ngắn hạn. Khi tín hiệu phân phối xảy ra, khả năng VN-Index đã tạo đỉnh ngắn hạn và sẽ phải trải qua một nhịp điều chỉnh.
Nhà đầu tư được khuyến nghị, nếu đã có lãi nên tìm cơ hội chốt lời trong phiên thị trường hồi phục. Với nhà đầu tư ngắn hạn chưa có cổ phiếu thì không nên vội mua luôn khi thị trường điều chỉnh, nên chờ đợi thị trường ở điểm cân bằng mới để giải ngân cho một nhịp tăng mới.