VN-Index giảm điểm phiên hai liên tiếp, khối ngoại trở lại bán ròng
Nhiều cổ phiếu lớn như VIC, HPG, MSN… giao dịch tiêu cực trong phiên 12/7 và đẩy VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu.
VN-Index kết phiên ngày 11/7 ở mức 1283,80 điểm giảm 0,17% so với phiên trước, khối lượng giao dịch giảm 6,12% và ở dưới mức trung bình. Như vậy, đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp chỉ số chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự mạnh sau giai đoạn phục hồi tốt từ vùng giá 1.240 điểm đầu tháng 7/2024.
Trước khi giao dịch phiên giao dịch mới, nhà đầu tư đón nhận những thông tin về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ hạ nhiệt mạnh hơn dự báo. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sau đó khẳng định sẽ không chờ đến khi lạm phát về 2% thì mới giảm lãi suất.
Bước sang phiên giao dịch ngày 12/7, sắc xanh tiếp tục duy trì trên các chỉ số, tuy nhiên, sự thận trọng vẫn diễn ra và thanh khoản thị trường duy trì ở mức rất thấp. Đà tăng của VN-Index không duy trì được quá lâu khi áp lực điều chỉnh bắt đầu diễn ra sau khoảng hơn 1,5 giờ giao dịch. Sau đó, VN-Index rơi vào trạng thái giằng co với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen đến hết phiên sáng.
Phiên chiều diễn ra vẫn khá giằng co nhưng điểm khác với phiên sáng đó là đa phần VN-Index biến động ở dưới mốc tham chiếu. Dòng tiền trên thị trường vẫn tỏ ra khá yếu nên không duy trì được sự tích cực đáng kể nào ở một dòng cổ phiếu nhất định.
Trong nhóm VN30, số mã giảm áp đảo, trong đó, MSN, VCB, HPG, BID hay CTG đều chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực rất lớn lên VN-Index. VCB giảm 0,57% và lấy đi của VN-Index 0,74 điểm. HPG bất ngờ giảm 1,21% và lấy đi 0,57 điểm. MSN giảm 1,32% và cũng lấy đi 0,38 điểm.
Ở hướng ngược lại, GVR, VIC, FPT… là những cái tên nắm vài trò chủ đạo trong việc kìm hãm đà giảm của thị trường chung. GVR tăng mạnh 2,57% và đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,9 điểm. VIC tăng 1,58 điểm và cũng đóng góp 0,58 điểm. Sắc xanh cũng quay trở lại với FPT khi tăng 0,6%. FPT vẫn bị khối ngoại bán ròng nhưng khối lượng giảm đáng kể so với các phiên gần đây.
Nhóm cổ phiếu dệt may giao dịch tương đối tích cực khi TNG, VGT, MSG… giữ được sắc xanh tốt. Trong đó, VGT tăng 2,3%, MSH tăng 1,54% còn TNG tăng 2%. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 8%. Trong khi đó, TCM đi ngược lại xu hướng chung của nhóm này khi giảm 1,5%. Hôm nay một lượng hàng gần 9,3 triệu cổ phiếu TCM trong đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% được giao dịch. Bên cạnh đó, TCM đón nhận tin không được “vui” đó là ông Nguyễn Văn Nghĩa, Uỷ viên HĐQT đã đăng ký bán ra 7 triệu cổ phiếu TCM.
Ở nhóm thép, trong khi HPG giảm khá mạnh thì NKG lại bật tăng đến 2,8%. HSG cũng giữ được sắc xanh khi tăng 0,2%. Dù bị bán rất mạnh trong phiên nhưng VGS được kéo ngược vào khoảng thời gian nửa cuối phiên chiều và chốt phiên tăng 0,96%.
Nhóm thủy sản cũng gây được sự chú ý khi các cái tên như ANV, VHC… tăng giá tốt. Nhóm thủy sản và dệt may được nhiều chuyên gia dự báo KQKD tích cực trong quý II và có triển vọng tốt vào nửa cuối năm 2024. ANV chốt phiên tăng 1,99% còn VHC tăng 2,2%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,24%) xuống 1.280,75 điểm. Toàn sàn có 140 mã tăng, 298 mã giảm và 76 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,15%) xuống 245,02 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 97 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,18%) xuống 98,14 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 606,3 triệu cổ phiếu, giảm 13% so với phiên hôm qua, trị giá 15.250 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.487 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.128 tỷ đồng và 962 tỷ đồng.
Đứng đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là hai cổ phiếu ngành thép HPG và HSG, trong đó, HPG khớp lệnh mạnh nhất với 18 triệu cổ phiếu còn HSG là 17,97 triệu cổ phiếu. Về giá trị giao dịch, MWG dẫn đầu với 565 tỷ đồng chuyển nhượng trong phiên.
Khối ngoại bán ròng trở lại 760 tỷ đồng trên HoSE và 6,9 tỷ đồng trên UPCoM và cũng chỉ mua ròng nhẹ 870 triệu đồng ở HNX. VHM bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 300 tỷ đồng. Tiếp sau đó, MWG và MSN bị bán ròng lần lượt 124 tỷ đồng và 80 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã TPB với 42 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/vn-index-giam-diem-phien-hai-lien-tiep-khoi-ngoai-tro-lai-ban-rong-d219886.html