Nếu như môi trường thiên nhiên, khí hậu trong thời kì chuyển từ cuối thế Cánh tân sang Toàn tân không có biến đổi lớn thì cư dân văn hoá Sơn Vi sẽ tiếp tục phát triển cuộc sống trên vùng đồi gò và các thềm sông cổ ven rìa đồng bằng châu thổ và tiến dần xuống khai phá vùng đồng bằng. Ở đó có thể phát hiện được nhiều dấu tích cuộc sống của con người thời đại đá mới sống trong khoảng thời gian từ trên một vạn năm đến khoảng 6.000 – 5.000 năm trước. Nhưng cho đến nay, trên đất Vĩnh Phúc cũng như trên vùng đồi gò Phú Thọ, Hà Tây, sau thời kì văn hoá Sơn Vi chưa tìm thấy được dấu tích văn hoá của con người thời đại đá mới. Các nhà khảo cổ học và cổ sinh học giải thích hiện tượng này bằng sự thay đổi của khí hậu và môi trường.
Tư liệu cổ sinh vật ở miền bắc Việt Nam cho thấy hầu hết hoá thạch động vật trung kì và hậu kì thế Cánh tân khá gần gũi với quần động vật thời Toàn tân, đều là động vật chỉ thị cho khí hậu nóng ẩm. Tuy vậy, giữa quần động vật cuối thời Cánh tân và thời Toàn tân miền Bắc nước ta cũng có một vài khác biệt. Đó là một vài động vật tiêu biểu cho quần động vật vùng Hoa Nam và Đông Nam Á thời Cánh tân đã không thấy trong quần động vật thời Toàn tân như đười ươi (Pongo pygmaeus), voi răng kiếm (Stegodon orientalis), gấu tre (Ailuropoda melanoleuca), voi cổ (Palaeoloxodon namadicus), heo vòi (Tapirus indicus). Về thực vật, thành phần bào tử phấn hoa qua các mẫu phân tích cho thấy trong tầng văn hoá Sơn Vi tồn tại phổ bào tử quyết đặc trưng cho giai đoạn khí hậu cuối thời Cánh tân gồm họ dương xỉ (Polypodiaceae) và kim mao (Cyatheaceae). Còn trong tầng văn hoá Hoà Bình không thấy bào tử phấn của dương xỉ và kim mao …
Những phân tích về động, thực vật đó cho thấy có sự thay đổi nào đó về khí hậu và môi trường từ cuối thế Cánh tân sang thế Toàn tân ở miền Bắc nước ta là điều rõ ràng. Song, từ đấy giải thích sự vắng mặt của con người sau thời văn hoá Sơn Vi trên vùng đồi gò, thềm sông ở vùng trung du Bắc bộ, trong đó có Vĩnh Phúc thì chưa có được sự nhất trí giữa các nhà nghiên cứu.
Có người cho rằng đợt biển tiến Flandrian xẩy ra ở giai đoạn gián băng cuối cùng, mực nước của nó bao trùm lên 1/2 diện tích khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ít nhất cao hơn mực nước hiện nay khoảng 4m. Lúc đó, toàn bộ đồng bằng Bắc bộ bị chìm ngập và hệ thống sông suối bị đẩy ngược dòng hoặc cân bằng dòng chảy làm tràn ngập các thung lũng. Vì thế cư dân văn hoá hậu kì thời đại đá cũ Sơn Vi trên thềm cổ sông Hồng, sông Lô phải rút về các hang động đá vôi tạo nên văn hoá Hoà Bình và Bắc Sơn.
Song cũng có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế Cánh tân sang Toàn tân, có thể khí hậu cũng ấm dần lên và có chế độ từ khô lạnh chuyển dần lên nóng ẩm và lượng mưa tăng cao, xuất hiện nhiều cơn lũ lớn. Đồng thời, do biển tiến sâu vào đồng bằng Bắc bộ, độ mặn làm ảnh hưởng đến thảm thực vật rừng và các hệ động vật sống theo bầy do đó cũng giảm đi. Vừa có lũ lớn, lại bị biển tiến ngăn cản việc thoát lũ làm cho đồng bằng, thậm chí cả các bậc thềm sông bị ngập lụt, rừng cây bị đổ, bị lấp, bị cuốn trôi. Môi trường săn bắt và hái lượm của con người nơi đây bị thu hẹp lại. Con người lúc đó chưa kịp thích ứng với môi trường mới, phải lui dần về miền thượng du, vùng núi đá vôi và các thung lũng cao, dẫn đến sự vắng bóng dấu tích cuộc sống của con người trên đất trung du trong khoảng đầu thời Toàn tân đến khoảng 6 – 5 ngàn năm trước. Đây cũng là lí do để giải thích sự vắng mặt của con người và văn hoá thời đại đá mới trên đất Vĩnh Phúc.
vinhphuc.gov.vn