Trên chặng đường lịch sử 75 năm xây dựng và phát triển của tỉnh (12/2/1950 – 12/2/2025), ngành Y tế tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ hệ thống y tế sơ khai với cơ sở vật chất nghèo nàn, đến nay, ngành Y tế tỉnh đã có một mạng lưới y tế rộng khắp với đội ngũ nhân lực có trình độ cao và trang thiết bị y tế hiện đại.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ảnh: Dương Chung
Năm 1950, cùng với sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc, ngành Y tế tỉnh cũng chính thức được thành lập. 75 năm xây dựng và trưởng thành, 70 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (27/2/1955-27/2/2025), từ một tổ chức chung là Ty Y tế và Bệnh viện tỉnh đóng ở huyện Lập Thạch, đến nay, ngành Y tế tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh năm 1997, ngành Y tế tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ.
Đến nay, Vĩnh Phúc có 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 8 phòng khám đa khoa khu vực; 9 trung tâm y tế huyện, thành phố; 136 trạm y tế xã, phường, thị trấn và mạng lưới y tế ngoài công lập rộng khắp.
Với những nỗ lực của toàn ngành, hết năm 2024, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với bình quân chung của cả nước, điển hình như tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 16,9 bác sĩ/vạn dân, vượt chỉ tiêu được giao; số giường bệnh/vạn dân đạt 43 giường bệnh/vạn dân, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Một trong những dấu ấn nổi bật đóng góp vào sự lớn mạnh của ngành Y tế tỉnh là việc nghiên cứu, ứng dụng triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu vào điều trị. Điển hình như ca phẫu thuật cứu sống bệnh nhân khi 2 lần bị ngừng tuần hoàn trong thời gian ngắn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy hay ca phẫu thuật vết thương tim có độ khó cao được thực hiện thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hay trường hợp trẻ sinh cực non ở tuần thai thứ 27 được nuôi sống thành công tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên. Đặc biệt, vào tháng 11/2024, em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được thực hiện hoàn toàn tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành Y tế tỉnh trong việc làm chủ các kỹ thuật cao.
Ngoài ra, nhiều kỹ thuật hiện đại khác như chụp và can thiệp mạch máu não, phẫu thuật vi phẫu, xạ hình xương, điều trị nhồi máu não sớm… cũng đang được triển khai thường quy.
Trung bình mỗi năm, toàn ngành thực hiện được từ 130 – 150 kỹ thuật mới, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh chú trọng phát triển hệ thống y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng và nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm mạnh hằng năm.
Trong các đợt dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, ngành Y tế tỉnh đã thể hiện vai trò tiên phong, tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Nhờ ứng dụng triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu vào điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch. Ảnh: Dương Chung
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực. Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.400 bác sĩ, hơn 370 dược sĩ đại học và hàng nghìn cán bộ y tế được đào tạo bài bản. Hằng năm, ngành đều có kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho cán bộ y tế, trong đó chú trọng đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ và tiến sĩ. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh từ xa cũng đang được đẩy mạnh.
Trải qua 75 năm phát triển, những thành tựu ngành Y tế tỉnh đạt được đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh; đồng thời là nền tảng để ngành Y tế tiếp tục phát triển toàn diện, phấn đấu thực hiện mục tiêu “Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Vĩnh Phúc cơ bản làm được kỹ thuật đó”.
Từ đó tạo điều kiện cho mọi người dân đều có khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế cơ bản như nhau, ngay tại nơi sinh sống; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Trong không khí sôi nổi hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập tỉnh, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển hệ thống y tế thông minh, ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học – công nghệ y tế, dược, y sinh học, ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh.
Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cử cán bộ y tế đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng các quy trình cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… phấn đấu vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân, hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng cao.
Minh Nguyệt
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123498/Vi-muc-tieu-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan