Thực hành tiết kiệm ngân sách nhà nước (tài chính công) được coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chính sách kinh tế, tiền tệ của Đảng và Nhà nước. Qua đó giúp tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ngày càng vững mạnh.
Trường Tiểu học Đồng Ích B (Lập Thạch) được đầu tư từ ngân sách Nhà nước đảm bảo không phát sinh kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ.
Những năm gần đây, Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, thu ngân sách hằng năm tăng cao. Từ năm 2004 đến nay đã cân đối được nguồn ngân sách thu đủ chi thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, năm 2022, thu ngân sách của tỉnh bứt phá vượt bậc, đạt hơn 40,3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 400 lần so với năm 1997. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, trong nước đã ảnh hưởng tới thu ngân sách của tỉnh, nhưng số thu ngân sách của tỉnh vẫn xếp nhóm 8 tỉnh của cả nước có số thu ngân sách đạt cao.
Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh thu ngân sách đạt gần 30,5 nghìn tỷ đồng; năm 2024, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 31.486 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán Trung ương giao và tăng 4,1% so với năm 2023.
Cùng với tăng thu ngân sách, tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị thực hành tiết kiệm ngân sách theo chủ trương của Chính phủ mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2024, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên (giữ lại 10% ngay từ khi giao dự toán đầu năm để dành chi cải cách tiền lương) toàn tỉnh được gần 584 tỷ đồng; cắt giảm 5% theo Nghị quyết số 119 ngày 7/8/2024 của Chính phủ gần 73 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm sử dụng phương tiện hơn 733 triệu đồng; tiết kiệm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản 134 tỷ đồng. Qua công tác thanhh tra, kiểm tra, giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiến nghị thu hồi hơn 17 tỷ đồng…
Năm 2025, tỉnh được Trung ương và HĐND tỉnh giao tổng thu ngân sách Nhà nước 27.026 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 22.026 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số theo chương trình mục tiêu của Chính phủ, tỉnh phấn đấu tăng trưởng từ 10 – 11% GRDP trong điều kiện sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 2 tháng đầu năm đều giảm khiến nguồn thu ngân sách khó khăn. Điều này cho thấy việc đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách là rất cấp thiết, đặc biệt là triển khai triệt để việc thực hành tiết kiệm tài chính công ngay từ đầu năm.
Để đạt được mục tiêu này, ngay cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, kế hoạch ngân sách cho các sở, ngành, địa phương. Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các chương trình phát triển KT-XH gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, khuyến khích sản xuất công nghiệp phát triển, nhất là các ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn, sản xuất ô tô, xe máy là những ngành thế mạnh của tỉnh để tạo nguồn thu ngân sách bền vững.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã quán triệt việc quản lý và tăng thu ngân sách đảm bảo đạt kế hoạch. Trọng tâm là thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm và phòng, chống lãng phí, đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH theo đúng chính sách quy định của nhà nước.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước, Chi cục Hải quan thực hiện tốt việc quản lý nguồn thu, tiết kiệm chi để đảm bảo nguồn lực ngân sách hiệu quả.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngành Tài chính đã lập kế hoạch dự toán về chế độ, định mức; chủ động trong cân đối và điều hành thu – chi ngân sách. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng phân bổ nguồn tài chính cho đầu tư phát triển hợp lý, tiết kiệm đúng chế độ.
Quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính đối với các đơn vị được thụ hưởng ngân sách trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách từ nguồn ngân sách Nhà nước…
Bài, ảnh: Xuân Hùng
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/124202/Thuc-hien-tiet-kiem-ngan-sach-ngay-tu-dau-nam