Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã và đang khẳng định là “bến đỗ” thành công cho nhiều dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Qua đó không chỉ tạo niềm tin đối với nhà đầu tư mà còn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế – xã hội (KT – XH) của tỉnh.
Công ty TNHH Solum Vina, KCN Bá Thiện 2 với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc chuyên phát triển các sản phẩm linh kiện điện tử có hàm lượng công nghệ cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong top 10 tỉnh có đóng góp cao vào ngân sách Trung ương hằng năm. Kết quả này đến từ việc thu hút đầu tư hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp với những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn… nhất là các dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc với chuỗi liên kết, cung ứng cho nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel…
Ngoài những chính sách ưu đãi đầu tư chung của Chính phủ, để tạo sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng, tỉnh đã ban hành cơ chế ưu đãi riêng về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê mặt bằng… gắn với cải thiện môi trường đầu tư bằng việc thường xuyên rà soát, cắt giảm, hoàn thiện thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” bảo đảm nhanh gọn, linh hoạt, đúng quy định.
Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động của dự án thông qua việc tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tư vấn để tiếp nhận phản hồi và hướng dẫn, giải quyết đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng tiện ích như giao thông, dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phục vụ doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Vĩnh Phúc với 2 tỉnh Chungcheongbuk, Gyeonggi của Hàn Quốc được duy trì và tăng cường.
Hằng năm, tỉnh tổ chức đón tiếp hàng chục lượt hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên thường xuyên được tỉnh đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nhiều thỏa thuận đã ký để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Vĩnh Phúc tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, biên bản ghi nhớ giữa đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) với Trung tâm tư vấn và giải pháp công nghệ Việt – Hàn (VITASK) về việc hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí ô tô và điện/điện tử được ký kết năm 2021 đã giúp các doanh nghiệp của tỉnh có thêm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật vật liệu linh kiện, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên sâu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao…
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc tích cực đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đến hết quý I/2025, toàn tỉnh có 234 dự án FDI đầu tư với tổng số vốn đăng ký 3,1 tỷ USD, xếp thứ 1 về số vốn đăng ký đầu tư trong danh sách 20 vùng/lãnh thổ có dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc, điển hình là dự án của các tập đoàn lớn như Patron Vina, Heasung Vina, Bangjoo, Cammsys, YoungPoong,…
Công ty TNHH Jahwa Vina là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử tại khu công nghiệp (KCN) Khai Quang (Vĩnh Yên). Năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không ngừng tăng trưởng với doanh thu đạt gần 160 triệu USD, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3.200 lao động.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty còn là doanh nghiệp điển hình tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ xây dựng hơn 100 ngôi nhà tình thương cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong tỉnh. Qua đó đóng góp không nhỏ vào sự phát triển KT – XH của tỉnh.
Thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025, trong 2 ngày (31/3 và 1/4), Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo các tỉnh Chungcheongbuk, Gyeonggi (Hàn Quốc) nhằm mở rộng giao lưu kinh tế, hợp tác hữu nghị, quảng bá tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trực tiếp mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đến tham quan dây chuyền sản xuất và làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp đang đóng góp tích cực cho tăng trưởng ngành Công nghiệp của tỉnh nói riêng và thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh nói chung.
Tiếp tục duy trì và khẳng định vị thế thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI trong vùng và khu vực, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh (32 dự án dự kiến đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025), trong đó có nhiều dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Hỗ trợ tích cực, chủ động mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm để thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao, các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo… tạo động lực cho tăng trưởng KT – XH của tỉnh trong giai đoạn mới.
Ngọc Lan
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126508/Thu-hut-dau-tu-doanh-nghiep-Han-Quoc