Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phong trào chuyển đổi số cũng ngày càng được lan tỏa rộng rãi tới từng thôn, xóm. Qua đó góp phần xây dựng những thôn, xóm thông minh, tạo ra những “ngôi làng số”, từng bước thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Đến với thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đầu năm, khách phương xa không còn phải loay hoay giữa hệ thống đường ngang, ngõ tắt. Nhờ việc đánh số nhà, cùng với việc gắn mã địa chỉ số cho các hộ gia đình, việc tìm đến đúng nơi cần đến rất thuận lợi. Thế nhưng, đây cũng chỉ là một trong số rất nhiều những thay đổi kể từ khi thôn Phú Ninh bắt tay vào xây dựng và đạt chuẩn thôn thông minh vào năm 2024.
Người dân thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương) sử dụng phương thức quét mã QR để thanh toán khi mua hàng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng thôn Phú Ninh tự hào giới thiệu về chiếc điện thoại thông minh có kết nối với hệ thống camera an ninh các khu vực tập trung đông người như đình, chùa và nhà văn hóa thôn.
Ông Kỷ cho biết: Từ khi xây dựng thôn thông minh, không chỉ an ninh trong thôn được đảm bảo mà việc điều hành của cán bộ thôn cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Từ việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến thông báo công việc của thôn như họp hành, tổ chức vệ sinh môi trường; đóng góp ủng hộ… Giờ đây, chỉ cần nhắn tin qua nhóm Zalo chung của thôn là người dân đều biết và nắm được. Cán bộ thôn không còn phải mất nhiều thời gian, công sức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” như trước.
Ông Kỷ nhớ lại: “Thời điểm tháng 9/2024, khi Mặt trận Tổ quốc xã phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, thôn đã nhanh chóng thông tin cũng như gửi số tài khoản tiếp nhận ủng hộ lên Zalo chung của thôn. Chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi phát động, thôn đã chung tay ủng hộ hơn 54 triệu đồng. Không chỉ ủng hộ được số tiền lớn, đây cũng là lần vận động “nhẹ nhàng” nhất khi không phải đi thu từng nhà như trước”.
Không chỉ thông tin đến người dân một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch, thông qua các nhóm Zalo của thôn, lãnh đạo thôn cũng ghi nhận được những ý kiến, đóng góp cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Với thôn Phú Ninh hôm nay, công nghệ số không chỉ là công cụ đắc lực hỗ trợ quản lý mà còn góp phần nâng cao đời sống và gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Nhờ có nhóm Zalo chung, lãnh đạo thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân (Tam Dương) có thể thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thôn Yên Trình, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) cũng đang có những đổi thay tích cực bởi mô hình thôn thông minh. Được công nhận là thôn thông minh năm 2024, thôn Yên Trình hiện có 2 điểm sinh hoạt công cộng (nhà văn hóa thôn và sân thể thao) đã được lắp đặt mạng wifi miễn phí để phục vụ các cuộc hội họp, sinh hoạt, học tập, tra cứu thông tin của người dân.
Camera an ninh đã được lắp đặt trên tất cả các tuyến đường trục chính của thôn và tại Nhà văn hóa thôn. Tỷ lệ người trưởng thành trong thôn sử dụng điện thoại thông minh trong giao dịch thanh toán đạt hơn 80%. Với sự nỗ lực của Tổ công nghệ số cộng đồng, việc ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hằng ngày đã trở thành một điều hết sức tự nhiên, gần gũi với người dân thôn Yên Trình.
Chị Đào Thị Thúy Hà, người dân trong thôn hồ hởi nói: “Chưa nói đến những cái khác, chỉ riêng việc thanh toán trong các giao dịch hằng ngày đã thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều. Giờ đây, chúng tôi không cần phải lúc nào cũng mang theo tiền mặt khi ra ngoài. Từ việc nộp tiền điện, tiền nước đến mua sắm, chỉ cần chuyển khoản hoặc quét mã QR là thực hiện được ngay. Vừa nhanh chóng lại không lo đếm thừa, đếm thiếu hay nhận phải tiền giả”.
Cán bộ xã Vũ Di (Vĩnh Tường) hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Cùng với phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, những “ngôi làng số” như Phú Ninh, Yên Trình đang dần hiện hữu tại nhiều địa phương. Sau nhiều năm triển khai xây dựng thôn thông minh, đến nay, toàn tỉnh đã có 34 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, bằng 309% kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 -2025.
Việc xây dựng thôn thông minh và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hằng ngày đã mang đến những đổi thay tích cực cho các làng quê, tạo diện mạo mới cho nông thôn; góp phần thu hẹp khoảng cách với thành thị.
Xây dựng thôn thông minh là một trong những tiêu chí bắt buộc mà các địa phương phải bảo đảm trên hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Đây cũng là những hạt nhân để mở rộng mô hình nông thôn hiện đại trong những năm tiếp theo.
Với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong năm 2025 tiếp tục xây dựng thêm 11 thôn thông minh, 39 thôn kiểu mẫu, 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và 1 xã NTM thông minh.
Nguyễn Hường
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123889/Thon-thong-minh—hat-nhan-nong-thon-so