Từ ngày 14 đến ngày 16/12, tại Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp các Ban, Bộ, ngành Trung ương và UBND 16 tỉnh, thành phố tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024.
Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 diễn ra tại tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nghệ nhân, vận động viên đến từ 16 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc
Tại thành phố Đông Hà mưa to và rét nhưng các diễn viên, nghệ nhân, vận động viên vẫn hào hứng tham gia các hoạt động đầu tiên tại lễ hội. Bà Hồ Thị Thạch, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bày tỏ: “Lần đầu tiên tham gia lễ hội tại tỉnh Quảng Trị, chúng tôi rất vinh dự, được gặp các chị em ở cá tỉnh khác, cùng giao lưu, trải nghiệm. Đoàn Quảng Bình rất vinh dự mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Bru Vân Kiều, lễ hội mừng lúa mới, các nhạc cụ truyền thống, những nét sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào”.
Các nghệ nhân, diễn viên đoàn Đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc tỉnh Quảng Bình chuẩn bị phần trình diễn
Ngày đầu tiên của lễ hội trở nên sôi động hơn với các màn trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc. Mỗi một dân tộc đều mang đến lễ hội những nét văn hóa đặc sắc riêng có của dân tộc mình. Đoàn nghệ thuật quần chúng dân tộc tỉnh Quảng Trị trình diễn sinh động trích đoạn Lời chúc phúc Aza, trích đoạn lễ hội A riêu Aza (mừng lúa mới) của đồng bào Pa cô vùng tây tỉnh Quảng Trị.
Nghệ nhân ưu tú Kray Sứt, dân tộc PaKô ở thôn ALiêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hào hứng: “Từ khi có chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn. Riêng lễ hội A Da thì năm nào cũng có, còn lại những lễ hội khác có thể bị mai một dần. Lễ hội A Riêu Ping (bốc mã), A za (mừng lúa mới), Prúc bor (cầu mùa)… Những nghi lễ này thì không thể bỏ được”.
Trích đoạn Lời chúc phúc Aza, trích đoạn lễ hội A riêu Aza (mừng lúa mới) của đồng bào Pa cô vùng tây tỉnh Quảng Trị
Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16/12 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam: Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình”.
Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị năm 2024 diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16-12
Nhiều hoạt động thu hút người dân và du khách như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; Trưng bày ảnh “ Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” của Vụ Văn hóa dân tộc: trưng bày và triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trưng bày.
Trưng bày những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc
Người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, thưởng thức các làn điệu dân ca, các điệu múa sôi động say đắm lòng người; đắm mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân; tham gia trải nghiệm các môn thể thao, trò chơi dân gian; cùng trải nghiệm khám phá vẻ đẹp con người mảnh đất Quảng Trị anh hùng và các tỉnh tham gia ngày hội…
Thời tiết tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị mưa, rét
Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ Trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cho biết: “Các hoạt động của Ngày hội tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hoá, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc có cơ hội, điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước”.
Theo Vinh Thông/VOV-Miền Trung
https://vov.vn/van-hoa/soi-dong-ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-viet-nam-2024-tai-tinh-quang-tri-post1141973.vov
Nguồn: http://vinhphuctv.vn/Qu%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%8B/Tin-t%E1%BB%A9c-chung/ID/361802/Soi-ong-Ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-Viet-Nam-2024-tai-tinh-Quang-Tri