Năm 2025 là năm cuối triển khai thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Vĩnh Phúc đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế và tiếp tục trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ cả nội tại bên trong lẫn tác động bên ngoài, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Tuy nhiên, phát huy bản lĩnh, truyền thống anh hùng của vùng địa linh nhân kiệt, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã đoàn kết, sáng tạo, kịp thời khắc phục khó khăn, sửa chữa sai lầm, hạn chế, xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, điển hình là đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu hình thành nền hành chính Đảng không giấy tờ.
Đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong trong công tác cán bộ bằng việc giao nhiệm vụ, đánh giá cán bộ bằng sản phẩm…
Nhờ vậy, đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Dự kiến hết năm 2025, 5/5 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt và vượt mục tiêu, trong đó, số đảng viên kết nạp mới trung bình hằng năm vượt trên 12%.
Trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ, từ năm 2017 đến nay, Vĩnh Phúc đã giảm được 138 đầu mối, 137 đơn vị sự nghiệp công lập, 15 đơn vị hành chính cấp xã, 140 thôn, tổ dân phố và trên 13 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn.
Đối với các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội, qua đánh giá, đến nay đã có 20 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu hoặc dự kiến sẽ đạt và vượt mục tiêu vào cuối năm.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm trên 93% giá trị trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các nguồn lực, nút thắt trong phát triển kinh tế – xã hội được tháo gỡ, từng bước khơi thông. Dự kiến trong giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh thu hút đầu tư FDI đạt gần 3,2 tỷ USD, vượt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra (mục tiêu thu hút từ 2 – 2,5 tỷ USD).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới được chú trọng, tập trung phát triển; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 28 Làng văn hóa kiểu mẫu. Chất lượng giáo dục nhiều năm liên tục đứng trong top đầu toàn quốc; Vĩnh Phúc là 1 trong 4 địa phương sớm nhất cả nước hoàn thành biên soạn, giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1.
Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ngành Y tế được ưu tiên đầu tư. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 48 giường; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt gần 17 bác sĩ, đều vượt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra.
An sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,3%, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra (mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1%).
Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Với 5 chỉ tiêu còn lại chưa đạt gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân; số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng và tỷ lệ cụm công nghiệp (đang hoạt động hoặc xây dựng mới) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất.
Trong đó, tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng hai con số trong năm 2025 với 11 giải pháp trọng tâm; phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2025”.
Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế – xã hội theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh xử lý kịp thời các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt các tồn tại, hạn chế đã được các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương và tỉnh chỉ ra.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu thu ngân sách hoàn thành và vượt chỉ tiêu giao. Điều hành chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh… tạo tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng mới để đưa Vĩnh Phúc vững bước cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123792/Quyet-tam-hoan-thanh-cac-chi-tieu-Nghi-quyet-Dai-hoi-Dang-bo-tinh