Trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, nguy cơ nhiều loại tài nguyên có khả năng cạn kiệt cùng quá trình phát triển KT – XH nhanh, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cùng các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp (DN) chung tay quản lý, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được huyện Lập Thạch quan tâm chỉ đạo.
Để việc quản lý, sử dụng đất vừa đảm bảo quỹ đất phục vụ mục tiêu phát triển KT – XH, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường (BVMT), an ninh lương thực, giảm tỷ lệ hộ nghèo, công bằng xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quỹ đất sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn, tỉnh thường xuyên điều chỉnh lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định cho các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn tỉnh; xây dựng bảng giá đất, xác định giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất, bồi thường – giải phóng mặt bằng (BT – GPMB), sử dụng đấu giá quyền sử dụng đất.
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 4 Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện gần 1.300 công trình, dự án. Toàn tỉnh đã cấp gần 109.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền ở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho 11 dự án, thực hiện ký hợp đồng thuê đất cho 104 tổ chức được thuê đất; đồng thời, BT – GPMB cho 450 dự án với tổng diện tích hơn 3,4 nghìn ha, thực hiện tái định cư được 445 hộ với diện tích 16,73 ha…
Nhằm bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn cụ thể hóa triển khai Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, đồng thời chỉ đạo nghiên cứu phát triển và thâm canh rừng trồng; tăng cường diện tích rừng trồng cây gỗ lớn – sử dụng cây gỗ lớn mọc nhanh hoặc cây bản địa mọc nhanh kết hợp với phát triển lâm sản ngoài gỗ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.
Nghiên cứu chuyển đổi diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang phát triển cây lâm nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện, tỉnh duy trì độ che phủ của rừng giữ ổn định ở mức 25%; đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất trên địa bàn.
Khai thác và sử dụng tài nguyên nước hợp lý, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống cấp nước an toàn; hạn chế sử dụng nước dưới đất để bảo tồn nguồn nước dưới đất; tận dụng hệ thống cấp nước hiện có; đồng thời, tăng cường đầu tư các giải pháp khoa học kỹ thuật hiện đại để xử lý nguồn nước mặt dồi dào cung cấp nguồn nước sạch cho nhu cầu tại các đô thị và khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu hiện tại cũng như lâu dài…
Bên cạnh đó, ngành TN&MT chỉ đạo kiểm tra việc thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục ô nhiễm nguồn nước; từ đó, nâng cao trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tài nguyên nước.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh tham mưu Ban Thưởng vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 10/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban hành một số quy chế như phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 497/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 65/2021 của BTV Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 10/2021 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh; ban hành quyết định danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tỉnh yêu cầu ngành TN&MT thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ; triển khai kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh đảm bảo tiến độ yêu cầu, có chất lượng tốt, tích hợp đầy đủ các quy hoạch ngành, các công trình, dự án cần triển khai trong giai đoạn.
Đẩy mạnh thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất…; triển khai đo đạc lại, đo chỉnh lý, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thành phố Vĩnh Yên và huyện Bình Xuyên….
Tiếp tục cụ thể hóa triển khai Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh; từng bước khắc phục và xử lý ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp.…
Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch đóng cửa mỏ khoáng sản đối với các trường hợp đã hết hiệu lực giấy phép.
Tăng cường đôn đốc, giám sát việc lập hồ sơ, thủ tục và triển khai công tác đóng cửa mỏ của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường các điểm mỏ đang hoạt động.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp; hoàn thiện kế hoạch kiểm kê tài nguyên nước…
Bài, ảnh: Hồng Nhật