Vượt lên những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, ngành ngân hàng tỉnh đã lấy lại nhịp tăng trưởng vào nửa sau của năm 2024, giúp nhiều doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất. Những giải pháp linh hoạt, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang triển khai là cơ sở để ngành ngân hàng của tỉnh tăng tốc, quyết tâm giành những thắng lợi mới.
Hoạt động tư vấn, giao dịch sôi động tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc.
Những tín hiệu tích cực
Ghi nhận tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, số lượng các giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là hoạt động tư vấn khách hàng luôn nhộn nhịp, sôi động.
Chỉ trong tháng đầu năm 2025, dư nợ trên toàn hệ thống của Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc đã tăng hơn 400 tỷ đồng, mức tăng đồng đều ở cả 2 khối bán buôn và bán lẻ, đây là tín hiệu rất tích cực cho thấy những gam màu sáng đã xuất hiện trong bức tranh tăng trưởng năm 2025 của Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2024 là năm rất khó khăn, nhiều thách thức với đơn vị và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, khi nhiều doanh nghiệp gặp khó, nhất là nhóm doanh nghiệp xây dựng, sản xuất bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh linh hoạt, hiệu quả, đơn vị đạt nhiều kết quả kinh doanh khả quan, tăng trưởng hơn 12%. Về dư nợ, số cuối kỳ năm 2024 đạt 14.355 tỷ đồng, về nguồn vốn đạt 11.400 tỷ đồng. Năm 2025, đơn vị phấn đấu tăng trưởng 13,8%, với số dư nợ cuối kỳ dự kiến là 16.280 tỷ đồng, nguồn vốn được giao là 12.250 tỷ đồng.
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc sẽ duy trì ổn định các chương trình tín dụng đã và đang triển khai trong năm 2024, đi sâu, đi sát vào từng nhóm khách hàng, giao kế hoạch kinh doanh cho các phòng, yêu cầu đội ngũ nhân viên sớm rà soát hồ sơ khách hàng, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để tăng khả năng tiếp cận vốn vay.
Trực thuộc Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, Agribank chi nhánh huyện Lập Thạch kinh doanh trên địa bàn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là khu vực nông thôn với các mô hình trang trại, gia trại, ít doanh nghiệp lớn, song, với nỗ lực của đội ngũ nhân viên, bám sát sự chỉ đạo của Agribank, tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, trong năm 2024, đơn vị đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, với số dư nợ tăng hơn 900 tỷ đồng.
Nhìn rộng ra, trên toàn hệ thống của Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, các đơn vị trực thuộc đều đạt và vượt chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Sự năng động của kinh tế tỉnh trong giai đoạn gần đây cho thấy tín dụng trên địa bàn tỉnh đang có sự khởi sắc, là động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 2 con số theo mục tiêu tỉnh đặt ra trong năm 2025.
Tiếp tục dẫn dòng vốn vào nền kinh tế
Năm 2024, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nên đến 31/12/2024 tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 143.680 tỷ đồng, tăng 15.519 tỷ đồng, tương đương tăng 12,11% so với năm 2023, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Doanh số cho vay đạt 255.021 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 242.527 tỷ đồng. Đó là những minh chứng rõ nét, cho thấy các giải pháp tăng trưởng tín dụng của tỉnh đã phát huy hiệu quả, dù những tháng đầu năm, kinh tế liên tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
Tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.
Một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh DNNVV và các quỹ khác của tỉnh chưa phát huy hiệu quả.
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, việc dẫn vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thông suốt dòng chảy tài chính có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao “sức khỏe” cho nền kinh tế.
Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lấy khách hàng là trung tâm, tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời cho các doanh nghiệp.
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số và các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025), cần sớm có các giải pháp xem xét ủy thác cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nguồn vốn của các quỹ ngoài ngân sách còn dư thừa để TCTD tăng nguồn cho vay doanh nghiệp, người dân, vừa bảo toàn vốn vừa hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và thu hút các nhà đầu tư, tìm kiếm thêm nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của tỉnh. Từ đó các doanh nghiệp trong tỉnh có nhiều cơ hội kinh doanh, ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng.
Các ngành, các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tìm ra giải pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư để giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện dự án đúng hạn. Chú trọng, quan tâm đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…
Bài, ảnh: Chu Kiều
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123585/Nganh-ngan-hang-ky-vong-mot-nam-but-pha