Hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu trên dải đất hình chữ S, các cấp chính quyền trong tỉnh đã và đang kiên trì, tạo sự khác biệt trong công tác quy hoạch nhằm kiến tạo và nâng tầm phát triển đô thị trong tương lai. Phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố loại I vào năm 2030.
Công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Nguyễn Lượng
Cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, công tác quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh thường xuyên được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và cấp độ quy hoạch.
Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận quy hoạch và công tác quản lý, phát triển đô thị của ngành chức năng liên tục được cập nhật, đổi mới; công tác duy tu, cải tạo, tái thiết từng bước được tăng cường, góp phần kiến tạo không gian đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển.
Tạo tiền đề cho công cuộc mở rộng không gian phát triển và nâng tầm vị thế đô thị phải kể đến việc quy hoạch mô hình tổ chức hệ thống đô thị được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh định hướng mô hình tổ chức hệ thống đô thị như đô thị vùng đồi, các khu đô thị mới kiểu mẫu, đô thị thông minh… nhằm hình thành chuỗi liên kết có tính chất tương hỗ phát triển, lấy thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên làm trung tâm. Từ đó, mở rộng phạm vi đô thị hóa ra các vùng lân cận theo hướng đột phá và bền vững.
Cụ thể hóa nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương lập Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo triển khai Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050…
Năm 2024, ngành Xây dựng đã tập trung lập, hoàn chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng mang tính chất bao quát, trọng điểm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, như: Quy hoạch chung thành phố Phúc Yên, quy hoạch xây dựng vùng đối với 3 huyện Lập Thạch, Tam Dương, Sông Lô; quy hoạch chung đô thị loại IV Tam Đảo.
Đồng thời xây dựng Chương trình phát triển đô thị Bình Xuyên và Vĩnh Tường; phê duyệt kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị ở 8 địa phương thuộc 3 huyện gồm Sông Lô, Yên Lạc và Lập Thạch.
Bên cạnh đó, sở còn thẩm định các Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh…
Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện trên toàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt trên 90% và tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 49%.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành mạng lưới 34 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều với không gian ngày càng mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm, đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Khẳng định vai trò của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai, Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Chí Giang nhấn mạnh: Quy hoạch là nền tảng để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa của tỉnh theo hướng bền vững.
Quán triệt phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương để nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Qua đó không chỉ bảo đảm tổ chức không gian đô thị của tỉnh phát triển hợp lý, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới.
Thống nhất nhận thức “Quy hoạch phải đi trước một bước”, là khâu then chốt trong việc đề xuất triển khai các dự án đầu tư và là động lực chính trong tiến trình phát triển của nền kinh tế, các cấp, ngành, chính quyền trong tỉnh tiếp tục tập trung quy hoạch, tổ chức không gian hệ thống đô thị theo hướng trọng tâm, trọng điểm.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư những dự án phát triển đô thị có quy mô lớn theo hướng “vườn trong nhà, nhà trong công viên” nhằm tạo ra các sản phẩm bất động sản mang bản sắc riêng, có sức hút và tạo động lực cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Tăng cường huy động mọi nguồn lực cho công tác chỉnh trang diện mạo đô thị hiện hữu như ưu tiên cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh các hồ, đầm trong vùng lõi đô thị; bổ sung không gian cây xanh, mặt nước, các khu chức năng như bãi đỗ xe tĩnh, không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa, kết hợp thương mại, dịch vụ…
Trước mắt, tập trung nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc; lập Quy hoạch chi tiết hồ Đầm Vạc và khu vực lân cận để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị không gian cảnh quan mặt nước.
Khuyến khích các tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đối với các công trình mang tính biểu tượng, cổng chào, điểm nhấn tại các cửa ngõ chính của đô thị trong tỉnh… Qua đó góp phần đưa Vĩnh Phúc phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, xứng đáng là đầu tàu phát triển của vùng và khu vực trong giai đoạn mới.
Ngọc Lan
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123703/Nang-tam-do-thi-tao-huong-phat-trien-cho-tuong-lai