Hội làng là nét đẹp văn hóa của người Việt có từ lâu đời, thường diễn ra sau những ngày Tết Nguyên đán. Mỗi hội làng mang một ý nghĩa, sắc thái riêng, nhưng điểm chung là sự hoài niệm, tưởng nhớ những người có công với đất nước, địa phương. Đây cũng là hoạt động gắn kết cộng đồng, tăng tình đoàn kết thôn, xóm.
Đình Thạc Trục, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch thờ 2 vị thần Quý Minh và Minh Sơn – 2 tướng của Tản Viên Sơn Thánh đã có công giúp Vua Hùng thứ 18 đánh nhà Thục trong buổi đầu dựng nước. Với những giá trị về kiến trúc và văn hóa độc đáo, đình Thạc Trục được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1996.
Lễ hội Chạy cày đình Đan Trì, xã Hoàng Đan (Tam Dương) thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương. Ảnh: Dương Chung
Lễ hội đình Thạc Trục được tổ chức vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Sau phần lễ với những nghi thức trang trọng, linh thiêng để tưởng nhớ công đức của 2 vị thần là phần hội cầu đinh. Đến hội, nhiều gia đình trong làng làm bánh dày và chè để dâng lên các thần.
Theo các cụ cao niên của làng kể lại, khi 2 vị tướng của Tản Viên Sơn Thánh đánh thắng trận, mở tiệc chiêu quân tại mảnh đất này, thấy nhân dân có ít con trai, các Ngài liền ban cho lệnh cầu đinh. Từ đó, dân làng ấm no, hạnh phúc, nhiều gia đình đông đủ cả con trai lẫn con gái.
Hội cầu đinh được tổ chức gồm 2 trò chơi, bắt trạch trong chum và leo cầu bưng nước. Đây là 2 trò chơi mang ý nghĩa cầu tự sinh sôi, thu hút rất đông người tham gia và đa phần trong số đó là các đôi vợ chồng trẻ. Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào những trò chơi dân gian phong phú như đu tiên, bắt vịt dưới ao, đánh cờ, chọi gà…
Với ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội đình Thạc Trục được huyện Lập Thạch chú trọng, xây dựng thành một trong những điểm nhấn di sản văn hóa phi vật thể của huyện.
Lễ hội Chạy cày đình Đan Trì, xã Hoàng Đan (Tam Dương) là hoạt động văn hóa tín ngưỡng cầu mùa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước tưởng nhớ công ơn của thần Quý Minh đã dạy dân biết cày, cấy.
Trước đây, lễ hội thường được tổ chức 5 năm/1 lần, nhưng từ năm 2025, lễ hội Chạy cày được tổ chức hằng năm theo quy mô cấp huyện. Điểm nhấn của lễ hội chính là màn diễn tái hiện lại cảnh Đức Thánh Quý Minh dạy dân cày cấy trước khi lên đường đánh giặc vào tối mùng 6 tháng Giêng.
Ông Vương Văn Sở, Bí thư Chi bộ thôn Chằm, xã Hoàng Đan cho biết: “Năm nay, lễ hội Chạy cày được tổ chức với quy mô cấp huyện khiến người dân rất phấn khởi, nô nức trẩy hội; điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành nhằm phục dựng, bảo tồn và nâng cấp lễ hội, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, niềm tự hào của quê hương. Qua lễ hội cũng góp phần xây dựng đời sống văn hóa, gắn kết tình làng nghĩa xóm”.
Đình Đông Đạo thuộc làng Đông Đạo, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) là một ngôi đình cổ, được xây dựng năm 1572 đời Vua Lê Anh Tông. Đình thờ Bạch Hạc Cao Quan Đại Vương, người có công giúp đỡ dân nghèo, vượt qua bệnh tật, khó khăn…
Nhân dân làng Gẩu, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) nghinh rước sắc phong 7 vị anh hùng họ Lỗ. Ảnh: Dương Chung
Trải qua thăng trầm lịch sử, đình được người dân làng Đông Đạo quản lý và tôn tạo; được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1994. Hằng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, UBND phường Đồng Tâm tổ chức lễ hội để nhân dân có dịp ôn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, tri ân công ơn của các Anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, tổ chức dâng hương cầu “Quốc thái dân an”.
Phần lễ được bắt đầu với phần tế lễ, sau đó là màn rước ảnh Bác Hồ, rước kiệu Bằng di tích lịch sử và rước lễ vào đình. Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, bịt mắt bắt dê, cờ tướng… và các tiết mục văn nghệ do chính người dân trong phường cùng du khách thể hiện.
Chị Nguyễn Thị Diện, phường Đồng Tâm cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng tham gia lễ hội. Trước là thắp hương dâng lễ lên các thánh cầu mong hạnh phúc, năm mới thuận lợi. Sau là tham gia phần hội với nhiều hoạt động văn minh, vui vẻ như liên hoan văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian”.
Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích, danh thắng với gần 400 lễ hội mỗi năm. Tiệc làng, hội làng được coi là hoạt động cuốn hút nhất mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Mỗi hội làng có một nét đặc trưng riêng góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Các hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị Thành hoàng làng nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, người dân gắn kết với nhau hơn về tinh thần.
Sau một năm lao động, làm việc vất vả, người dân lại được gặp nhau, cùng cầu mong sự an lành cho làng xóm, mùa màng tốt tươi, kinh tế phát triển.
Ngày nay, tiệc làng, hội làng vẫn được các địa phương chú trọng tổ chức với tinh thần văn minh, an toàn, lành mạnh, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc.
Diệu Linh
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123519/Hoi-lang—Net-dep-van-hoa-dau-Xuan