“Ừ thì ai mà chẳng sai”
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh vừa phát hành MV Trầy xước tự sáng tác và thể hiện. Bỏ qua yếu tố bên lề, Trầy xước vẫn là tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa.
Bài hát chia khá rõ thành 2 phần. Nửa đầu, bài pop rock nhẹ nhàng, hơi hướm chill out/new age với tiếng piano, violin, cách hát nỉ non, đôi lúc nhấn nhá, nhả chữ hơi rền rĩ, như thể đang kể lại câu chuyện một cách chua chát.
Nửa sau, phần hòa âm bùng nổ hơn, “rock” hơn với trống, bộ gõ, guitar bass, guitar điện và synthesizer. Hồ Hoài Anh chuyển sang lối hát dụng lực, thiên về giọng ngực, hòa vào âm thanh như trút ruột gan, giải phóng hết ẩn ức trong lòng.
90% thời lượng MV mang tông màu đen – trắng, xoay quanh cảnh bóng lưng Hồ Hoài Anh sải bước từ vùng đất cát cằn cỗi đến biển. Các hình ảnh chủ yếu mang tính ẩn dụ như anh thả rơi nắm cát trong tay, bị con sóng lớn nhấn chìm…
10% cuối MV, màu sắc mới trở lại cuộc sống xám xịt của Hồ Hoài Anh. MV khép lại bằng cảnh zoom cận anh với đôi mắt thanh thản và khuôn miệng nhoẻn cười trước biển.
Lời bài hát gãy gọn, phần lớn là lời tác giả vừa động viên bản thân (Ɲgười ta đâu có quan trọng/ sao ta chưa thể buông; Đời cho ta nhìn thấu/ lòng người sâu thế nào) vừa nhắn gửi đến những người đang trong cảnh bế tắc (Nhìn lên trời cao/ sẽ thấу mặt trời; Bình minh rồi sẽ trở lại/ nhân sinh vô thường).
Trầy xước – Hồ Hoài Anh
Dù dùng nhiều từ, cụm từ khá nặng nề như: gạt nước mắt đi mà sống, vực sâu, đau đớn, một đời rã rời, muộn phiền… tinh thần tựu trung tác phẩm là lạc quan, vượt qua bóng tối quá khứ để bước tiếp.
Trước nỗi đau từng lớn đến mức khiến mình như sống dưới đáy vực, sau khi vượt qua, Hồ Hoài Anh thấy tất cả chỉ còn là “vài ba trầу xước có là bao”.
Thông qua lời bài hát, lần đầu, tác giả nhìn nhận sai lầm ngày trước: Ừ thì ai mà chẳng sai/ Niềm đau ngàу xưa hóa khôi hài. Và rồi, anh khẳng định: Ngàу mai dù có lên trời/ Ta cứ уêu cuộc đời.
Tha thứ cho chính mình
Từ sau vụ việc tranh cãi, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh rất hiếm xuất hiện trước công chúng hay trả lời truyền thông.
Anh không hoàn toàn biến mất, thực tế vẫn tham gia nhiều chương trình như: mini-concert The Ballad của Tú Dưa, Vietnamese Concert của Hoàng Thuỳ Linh, đêm nhạc từ thiện Hồi sinh quy tụ hơn 30 nghệ sĩ… và đứng sau nhiều sản phẩm âm nhạc.
Ngoại trừ đêm nhạc Hồi sinh, Hồ Hoài Anh hầu như không lộ diện, thậm chí yêu cầu không đề tên dù đảm nhận vị trí chủ chốt, như tại Vietnamese Concert của Hoàng Thuỳ Linh.
Ngay cả khi vướng scandal, không ai có thể phủ nhận tài năng của Hồ Hoài Anh. Không chỉ nhạc sĩ, anh còn làm tốt các vai trò sản xuất âm nhạc, giảng viên, giám đốc âm nhạc và đạo diễn chương trình.
Trong nghề, Hồ Hoài Anh và Đức Trí là 2 ”bậc thầy” âm nhạc dân gian khó thay thế. Nếu Đức Trí chuyên về câu hò, điệu lý miền Nam, Hồ Hoài Anh là “phù thủy” của những thanh âm Bắc Bộ.
Quan trọng hơn, Hồ Hoài Anh ứng xử đúng với tư cách nghệ sĩ hậu scandal. Anh im lặng, không xuất hiện suốt thời gian dài. Việc phản hồi, nếu có, cũng rất “nghệ sĩ”: thông qua âm nhạc.
Cùng xảy ra scandal, nam nhạc sĩ đã chọn lối sống hoàn toàn đối lập với Hồng Đăng – người vẫn đi nghỉ dưỡng, cập nhật mạng xã hội và sinh hoạt như thường lệ; hay Hiền Hồ tái xuất sân khấu chỉ sau vỏn vẹn 6 tháng.
Những gì đã xảy ra với Hồ Hoài Anh không thể thay đổi. Dù vậy, như chính thông điệp anh gửi gắm qua bài hát: cần vượt qua nỗi đau, sai lầm để tiến về phía trước.
Khi ra bài mới Trầy xước, anh chia sẻ ngắn gọn: “Tựa đề và âm nhạc nghe có vẻ chưa đủ vui nhưng với tôi lại ý nghĩa vô cùng, hạnh phúc vô cùng”.
Khi xem nỗi đau chỉ còn là những vết trầy, Hồ Hoài Anh dường như đã tha thứ cho chính mình.
Lê Thị Mỹ Niệm
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ho-hoai-anh-da-tha-thu-cho-chinh-minh-2357514.html