Tin mới y tế ngày 31/7: Hà Nội công bố nguyên nhân ngộ độc thực phẩm tại đám cưới
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông báo đã có kết quả điều tra, giám sát về vụ ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) tại đám cưới ở thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín.
Hà Nội công bố nguyên nhân ngộ độc thực phẩm
Trước sự việc trên, tổ điều tra, giám sát tiến hành lấy 2 mẫu rượu ngâm táo mèo (gồm 1 mẫu tại gia đình tổ chức đám cưới và 1 mẫu rượu còn lại trong đám cưới được mang về nhà của một người trong nhóm các bệnh nhân) gửi cơ quan kiểm nghiệm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông báo đã có kết quả điều tra, giám sát về vụ ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) tại đám cưới ở thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. |
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol có trong 2 mẫu rượu nêu trên gấp hơn 40 lần ngưỡng cho phép.
Ngoài ra, 4 bệnh nhân ngộ độc methanol có nồng độ methanol trong máu từ 51mg/dL đến 188,8mg/dL. Rượu ngâm táo mèo là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc nói trên.
Liên quan đến sự việc trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị phòng Y tế huyện Thường Tín tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tiêu hủy số lượng rượu còn lại đã được niêm phong theo quy định.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu.
“Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại rượu trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép, không bảo đảm kỹ thuật được bày bán trên thị trường. Đồng thời, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý.
Trước đó, ngày 23/7, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol (cồn công nghiệp).
Theo bệnh nhân và người nhà, trưa 20/7, các bệnh nhân nói trên ăn tiệc cưới tại gia đình bà N.T.H (ở thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) và có uống rượu ngâm táo mèo. Loại rượu này được gia đình bà N.T.H mua của ông P.Q.T (ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) với số lượng 30 lít.
Đến 18h15 cùng ngày, 4 bệnh nhân nói trên và một người đàn ông tên là Đ.V.C (56 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp tục uống rượu còn lại trong tiệc cưới tại nhà của một người trong nhóm. Mỗi người uống khoảng 500ml đến 1.000ml.
Sau đó, các bệnh nhân có các triệu chứng: Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu… và được gia đình đưa vào viện điều trị.
Riêng ông Đ.V.C (56 tuổi) về nhà ngủ vào đêm 21/7. Đến sáng 22/7, bệnh nhân dậy tắm giặt, ăn uống, sinh hoạt tại gia đình. Sáng cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau bụng, nôn ra máu 2 lần. Đến sáng 23/7, bệnh nhân tử vong không rõ nguyên nhân.
Tăng kiểm soát an toàn thực phẩm khu vực trường học
Ngày 30/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, Hà Nội hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
Trong 6 tháng năm 2024, toàn TP đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm, đã thành lập hơn 600 đoàn thanh kiểm tra, tập trung truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời điều tra, phát hiện các vụ vi phạm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.
Từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu sắp tới. Dự kiến, từ ngày 5/8, TP sẽ bắt đầu triển khai kiểm tra các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 8/2024, TP bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội.
Theo kế hoạch, cơ quan chức năng của TP sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Mục đích của kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.
Bên cạnh đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Tại kế hoạch này, Sở Y tế Hà Nội đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội: 0823.88.9095; 0922.55.9095.
Đại diện Sở Y tế TP mong muốn người dân khi thấy các quán hàng không bảo đảm ATTP trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm hãy gửi thông tin đến đường dây nóng để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, giải quyết.
Bệnh viện Bạch Mai triển khai khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính
PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, góp phần giảm tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bắt đầu từ ngày 1/8, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính tại nhà K1 – Khoa khám bệnh theo yêu cầu.
Được biết, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 8.000 đến 10.000 người bệnh tới khám. Tâm lý chung của người Việt Nam, thường đi khám bệnh từ sáng sớm vào các ngày đầu tuần, “khám sớm, có kết quả sớm, xong sớm”. Việc khám buổi sáng, đầu tuần cũng là để thuận tiện nhịn ăn nếu cần phải làm một số thủ thuật.
Chính bởi quan niệm này nên vào buổi sáng và những ngày đầu tuần, các phòng khám, bệnh viện đều phải hoạt động với công suất cao, nhiều khi quá tải cục bộ. Tại Bệnh viện Bạch Mai, buổi sáng thứ 3 thường đông nghẹt, chật cứng người đến khám chữa bệnh.
Với việc mở rộng khung giờ khám từ 17 giờ đến 21 giờ (thứ 2 đến thứ 6), người dân có thể dễ dàng sắp xếp công việc để thuận tiện đến bệnh viện, tránh phải xếp hàng đông đúc, chờ đợi đến lượt khám.
Việc chuyển qua khám vào buổi chiều, ngoài giờ, không chỉ giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian, hoàn thiện các công việc cần thiết mà còn có cơ hội đặt lịch khám dễ dàng hơn cũng như nhiều lựa chọn trong khung giờ khám và chọn bác sỹ khám theo nhu cầu của cá nhân.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc thăm khám ngoài giờ vẫn đầy đủ các chuyên khoa và các xét nghiệm, chiếu chụp cận lâm sàng như trong giờ hành chính mà chi phí không thay đổi. Tất cả các phòng khám được bố trí trong cùng tòa nhà K1, rất thuận tiện để người dân di chuyển.
Các phòng chiếu chụp, siêu âm, nội soi, xét nghiệm… được bố trí tập trung tại tầng 2 và tầng 3 của nhà K1, rất thuận tiện cho người bệnh.
Theo các bác sỹ với các bệnh nhân có xét nghiệm máu, chiếu chụp, siêu âm… thì chỉ sau 2 giờ sẽ có đầy đủ kết quả. Còn với trường hợp chỉ siêu âm, chụp X-quang thông thường thì chỉ sau 1 giờ đã có đầy đủ kết quả để bác sĩ kết luận và kê đơn thuốc.
Với khung thời gian khám bệnh rộng, từ 6 giờ-21 giờ (từ thứ 2 đến thứ 6) và từ 6 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút (thứ Bảy và Chủ nhật), người dân sẽ có nhiều lựa chọn và thuận tiện sắp xếp thời gian, công việc để đi khám bệnh hoặc đưa người thân đi khám