Với chủ trương tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, các cấp chính quyền trong tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, đưa chính sách pháp luật đến đối tượng được thụ hưởng. Qua đó góp phần hạn chế rủi ro, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh với số vốn đăng ký gần 298,3 nghìn tỷ đồng. Trong quá trình phát triển KT – XH của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.
Để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh thường xuyên đổi mới hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế…
Thường xuyên lắng nghe các ý kiến phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, nhận diện những vướng mắc pháp lý, khó khăn, cản trở từ quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên nền tảng pháp lý ổn định, bền vững và lâu dài.
Công ty TNHH Polaris Việt Nam, KCN Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) được các cấp chính quyền của tỉnh đồng hành, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Lượng
Năm 2024, các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh; UBND các huyện, thành phố đã biên soạn, in ấn và cấp phát miễn phí trên 500 nghìn tài liệu các loại tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới được ban hành.
Trong đó, tập trung vào các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và các quy định về chế tài xử lý, góp phần nâng cao hiểu biết, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tổ chức 3 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ với gần 1.500 người tham gia; phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức 272 lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho trên 40 nghìn lượt người tham dự.
Đây là những kênh thông tin hữu ích, là cầu nối kết hợp giữa tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phản ánh việc chấp hành pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh đến gần 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Bình Xuyên. Đồng thời, trực tiếp làm việc, tư vấn hỗ trợ khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư cho hơn 2.000 lượt doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sở còn tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Hải quan tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy phép hoạt động của Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc… góp phần tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, phát huy hiệu quả dự án sau đầu tư.
Thời gian qua, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa của UBND thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) trở thành điểm sáng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chứng thực bản sao điện tử, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước để hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của hơn 160 doanh nghiệp đóng trên địa bàn mà còn đối với các doanh nghiệp đến từ thành phố Hà Nội.
Công chức Tư pháp – Hộ tịch Nguyễn Thanh Quân cho biết: Sau khi tiếp nhận bản chính giấy tờ của doanh nghiệp để chứng thực, 100% thủ tục hành chính được cán bộ tiếp nhận tiến hành thao tác nhanh chóng, chính xác trên môi trường điện tử.
Từ đầu năm 2025 đến nay, có gần 100 hồ sơ yêu cầu chứng thực điện tử được tiếp nhận và giải quyết kịp thời tại bộ phận tiếp nhận theo cơ chế một cửa của UBND thị trấn; trong đó có đến 50% số hồ sơ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Để đạt mục tiêu hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 18.740 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký hơn 310 nghìn tỷ đồng và hơn 510 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,9 tỷ USD, đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào tỉnh, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật về đầu tư, nhất là các thông tin, chính sách về người nộp thuế, người khai hải quan, đất đai, tài nguyên và môi trường…
Phối hợp tổ chức các chương trình hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Triển khai linh hoạt, đồng bộ hoạt động hỗ trợ, giải đáp, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hình thức như văn bản, mạng điện tử, điện thoại, Zalo…, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và phát huy hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Lan
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123849/Go-kho-phap-ly-cho-doanh-nghiep