Những năm qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra một luồng gió mới, giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của nhiều địa phương. Nhiều sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Nhờ tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm OCOP 3 sao Trà gạo lứt tâm sen Huyền Chi xã Tam Quan (Tam Đảo) có thị trường tiêu thụ rộng mở. Ảnh: Chu Kiều
Với diện tích đất nông nghiệp trên 91 nghìn ha, Vĩnh Phúc sở hữu những lợi thế rõ rệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch; vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại huyện Tam Dương, Tam Đảo.
Ngoài ra, tỉnh còn có 29 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận cùng hơn 260 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Đây là những tiền đề vững chắc cho phát triển các sản phẩm đặc trưng và tham gia vào chương trình OCOP.
Để khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân, tham gia vào chương trình, hằng năm, ngành nông nghiệp đều phối hợp với các huyện, thành phố triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm; tập huấn xây dựng, triển khai phương án sản xuất, quản trị sản xuất kinh doanh; hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm; phát triển kỹ năng bán hàng thương mại điện tử… cho các chủ thể đăng ký tham gia chương trình.
Có thể nói, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo động lực để nhiều ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp trở thành hiện thực. Nhiều cơ sở sản xuất, HTX đã cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từ bao bì, máy móc đến quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Bà Trần Thị Đăng, Giám đốc HTX tổng hợp Dũng Hưng, xã Tiên Lữ (Lập Thạch) cho biết: “Tham gia vào chương trình OCOP là cơ hội để đánh giá lại sản phẩm của mình và hiểu rằng, chỉ chất lượng thôi là chưa đủ mà còn phải chú trọng tới mẫu mã, bao bì sản phẩm để tăng doanh số cũng như nâng cao giá trị sản phẩm”.
Sau 7 năm triển khai, chương trình OCOP đã phát huy được tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, thúc đẩy liên kết trong phát triển kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, mang đặc trưng của mỗi địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực vào công tác nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 169 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên. Trong đó, không ít sản phẩm từ các nghề truyền thống như bánh gạo rang Tiên Lữ, bánh hòn Hợp Thịnh, tương Tiên Lữ, hay từ các vùng nông sản hàng hóa quy mô lớn của tỉnh như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, gạo ngon Phú Xuân, sữa và các sản phẩm làm từ sữa của HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo…
Nhiều sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đã vào được các siêu thị, nhà hàng, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại… Nhờ đó, doanh số tăng lên đáng kể. Một số đơn vị đã xây dựng được thương hiệu mạnh, có được chỗ đứng nhất định trên thị trường như Công ty CP Ong Tam Đảo, HTX Nấm Tam Đảo, Công ty TNHH Nấm Phùng Gia…
Để chương trình OCOP tiếp tục giữ vai trò là chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2025 có thêm 20 đến 25 sản phẩm OCOP được công nhận chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Theo đó, tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, gắn với thực hiện Chương trình OCOP. Các sở ngành, địa phương cũng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức.
Với sự quan tâm của cơ quan chức năng cùng sự nỗ lực không ngừng của các chủ thể sản xuất, chương trình OCOP hứa hẹn sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng giúp nông sản Vĩnh Phúc vươn xa, nâng cao giá trị và tạo dựng thương hiệu vững mạnh trên thị trường.
Nguyễn Hường
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126505/Gia-tang-gia-tri-nong-san-tu-san-pham-OCOP