Với tinh thần “Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”, Vĩnh Phúc quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo xung lực, động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị; góp phần vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với sự tham gia của các đơn vị uy tín, qua 2 lần tổ chức, Techfest VinhPhuc đã góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế của tỉnh trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Trà Hương
Xác định phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quan trọng quyết định phát triển của quốc gia và mỗi địa phương, điều kiện tiên quyết để Vĩnh Phúc cùng cả nước đột phá phát triển, vươn mình trong kỷ nguyên mới, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đạt được nhiều kết quả quan trọng như Chỉ thị của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025 với Bộ KHCN; phê duyệt Đề án phát huy tinh thần và hỗ trợ thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chú trọng thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KHCN; triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có hơn 130.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có nhiều dự án gắn với thế mạnh địa phương. Năm 2023, Vĩnh Phúc xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Cùng với đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ; tạo những thay đổi căn bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Hạ tầng mạng viễn thông có bước phát triển mạnh mẽ với hơn 3.100 trạm thu phát sóng, phủ sóng tới 100% các thôn, tổ dân phố, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Chính quyền số từng bước được hình thành với sự chuyển đổi rõ nét từ phương thức hoạt động truyền thống sang phương thức mới dựa trên nền tảng, công nghệ và dữ liệu số.
100% cơ sở giáo dục, y tế của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số; hơn 96% dân số của tỉnh đã được tạo lập hồ sơ trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% doanh nghiệp đã đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng internet, sử dụng hóa đơn điện tử; hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh…
Để tạo xung lực mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ; xác định rõ vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia; đề ra các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để phát triển KHCN đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Phát huy những kết quả đạt được, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 57, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp đối với phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh liên kết chặt chẽ với quốc gia.
Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an ninh dữ liệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong tình hình mới…
Lê Mơ
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123693/Dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so