Chiều 11/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội (đơn vị bầu cử số 10) đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Vũ Văn Tĩnh (xã Tráng Việt, Mê Linh) đã phản ánh về việc các tuyến đê ở nhiều địa phương được trải thảm nhựa mặt đường đẹp, trong khi huyện Mê Linh và Đông Anh lại có tình trạng đoạn trải thảm nhựa, đoạn đổ bê tông, gây nên sự không đồng nhất.
“Tôi đề nghị Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo đầu tư tuyến đê, hoặc trải thảm nhựa toàn tuyến. Công nhân ở các khu công nghiệp đi qua tuyến đê này rất nhiều, dân đi rất khổ”, ông Tĩnh nói.
Tham gia trả lời cử tri tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hàng năm thành phố đều duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hạ tầng giao thông tại các tuyến đê.
Thời gian tới, thành phố sẽ cải tạo đồng bộ giao thông các tuyến đê như kiến nghị của cử tri. “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành rà soát toàn bộ các tuyến đê, bảo đảm cải tạo đồng bộ hạ tầng giao thông”, ông Phương nói.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, cuối năm 2023 đã cử cơ quan chuyên môn đi bay flycam (thiết bị bay không người lái) ghi nhận thực trạng toàn bộ các tuyến đê của thành phố.
Ngoài hệ thống đê được đánh giá “rất là lạc hậu”, ông Thanh cho biết, toàn bộ hệ thống đường “đối ngoại” của Hà Nội cũng “chưa theo kịp” các tỉnh xung quanh.
Ông Trần Sỹ Thanh chia sẻ, nhiều tuyến đường ở các tỉnh gần Hà Nội có quy mô rộng đến 60m, nhưng khi đi qua địa phận Thủ đô thì bị thu hẹp chỉ còn hơn 20m.
“Vào đến Thủ đô, đường sá bị thắt lại như cổ chai. Rất nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh khác mong muốn Hà Nội phải đấu nối giao thông tương xứng”, ông Thanh cho hay.
Theo ông Thanh, Thành phố vừa giao nhiệm vụ cho các sở, ngành lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiệm kỳ 2026 – 2030 phải ưu tiên 2 lĩnh vực nêu trên. “Sang Vĩnh Phúc sẽ thấy, làm đường dù chưa ai ở nhưng đường rất rộng. Không biết Thủ đô to đẹp thế nào mà đường cứ bé tẹo”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tiếp đó, Chủ tịch Hà Nội lưu ý về chương trình xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng cuộc sống đô thị ở nông thôn, không được làm đường, ngõ “bé tẹo”. Theo ông, nếu không làm tốt quy hoạch đường nông thôn thì “rất có lỗi với thế hệ tương lai”.
Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định trong nhiệm kỳ tới, thành phố sẽ nâng cấp toàn bộ các tuyến đê và đường trên địa bàn. Công tác này sẽ thuận lợi hơn nhờ vào việc sửa đổi Luật Đầu tư công, giúp tránh tình trạng “thừa vốn nhưng chậm công trình” như trước đây.
Tại buổi tiếp xúc, ông cũng chia sẻ với cử tri về nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô diễn ra tốt đẹp, an toàn, khiến người dân phấn khởi.
“Thấy ánh mắt, nụ cười của người dân, tôi rất vui. Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng ánh mắt và nụ cười của người dân là sự động viên, là phần thưởng đối với chúng ta, trong đó có tôi,” ông Thanh bày tỏ.
Những kilomet đầu tiên đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được thảm nhựa
Hơn một năm thi công, ‘siêu dự án’ đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã làm xong nền móng và đang thảm nhựa những km đầu tiên đoạn qua huyện Sóc Sơn.
Hà Nội phê duyệt dự án cao tốc trên Vành đai 4 hơn 56.000 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt xây dựng đường cao tốc đi trên cao thuộc dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, với tổng mức đầu tư trên 56.000 tỷ đồng.
Hà Nội đề xuất thu phí đường vành đai 4 cao nhất 7.220 đồng mỗi km
TP Hà Nội vừa đề xuất mức thu phí sử dụng đường vành đai 4, trong đó xe dưới 12 chỗ có mức phí 1.900 đồng/km, xe tải từ 18 tấn trở lên là 7.220 đồng/km.