Có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhưng các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh đang phải chịu nhiều áp lực về ô nhiễm môi trường. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông đang ngày càng trở lên cấp thiết, cần sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy của gia đình chị Ngụy Hồng Cúc, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch.
Lưu vực các sông là nguồn cung cấp nước quan trọng cho hoạt động chăn nuôi thủy sản của người dân trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông ngòi dày đặc với 4 con sông lớn chảy qua gồm sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ, cùng với các con sông nội tỉnh như sông Phan, sông Bá, sông Đình Cả…
Ngoài các sông, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống các hồ, với 7 khu chứa nước chủ yếu gồm Đại Lải, Vân Trục, Xạ Hương, Bò Lạc, Suối Sải, Đầm Vạc và Cà Lồ cụt. Đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn, đồng thời là nơi thu nhận nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Xác định rõ được tầm quan trọng của môi trường nước ở lưu vực các sông, UBND tỉnh đã sớm ban hành quy định về phân vùng đối với nước thải và khí thải trên địa bàn tỉnh, cùng nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng khác, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi xả ra sông, suối, ao, hồ.
Lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động môi trường nước trên sông Cà Lồ và sông Phan; thực hiện quan trắc môi trường nước ở nhiều vị trí trên các sông, suối chính để đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng nước, phát hiện sớm các thông số bất thường, đưa ra cảnh báo và đề xuất các biện pháp quản lý, phòng ngừa ô nhiễm.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường nước mặt; kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải có tác động xấu đến môi trường từ những nhà máy, xí nghiệp, các khu đô thị, làng nghề bằng việc làm chặt khâu thẩm định, cấp phép xả thải vào nguồn nước, cương quyết không cấp phép cho các cơ sở không đáp ứng đủ các tiêu chí về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Tỉnh chú trọng đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Đến nay, tỉnh đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 1, với công suất 5.000 m3/ngày đêm, đồng thời, đang phối hợp với các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II sử dụng nguồn vốn ODA-JIBC Nhật Bản, với công suất 6.000 m3 /ngày đêm.
Chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở thành phố Phúc Yên theo Quy hoạch phân khu C2, với công suất khoảng 17.000 m3/ngày đêm; hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho các thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên), Thổ Tang (Vĩnh Tường), Yên Lạc, Tam Hồng (Yên Lạc) và 14 điểm xử lý nước thải phân tán dọc sông Phan.
Chất lượng nước của sông Lô, đoạn chảy qua địa phận của tỉnh đã được cải thiện đáng kể.
Thực hiện chương trình cải thiện môi trường lưu vực sông Cầu, tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng hàng nghìn hầm biogas để xử lýchất thải chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt; thực hiện nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1 dự án nạo vét khơi thông dòng chảy sông Phan, đoạn từ cầu Vàng đến cầu Thượng Lạp; cải tạo, nạo vét, kè bờ đầm Vạc; nâng cấp một số trạm bơm; xây dựng, kè bờ tại một số đoạn sông Cà Lồ tại phường Nam Viêm và hồ Đại Lải (Phúc Yên)…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, chất lượng nước ở các lưu vực sông đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo kết quả tính toán, dự tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, sức chịu tải của các sông trên địa bàn tỉnh đối với các thông số ô nhiễm môi trường có khả năng giảm sút.
Trong đó, thông số về Amoni và TSS đã quá sức chịu tải của các sông chính. Còn thông số Phosphate và COD cũng đang có nguy cơ cao vượt quá khả năng chịu tải của các sông nếu không có các biện pháp xử lý và giảm thiểu nguồn thải một cách kịp thời.
Để chủ động phòng, ngừa ô nhiễm môi trường ở lưu vực các sông, đảm bảo an ninh nguồn nước, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ môi trường lưu vực sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, tỉnh dự kiến sẽ dành hơn 19.000 tỷ đồng để hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách, cơ chế tài chính về môi trường, tài nguyên nước. Triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo trên địa bàn.
Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu, giám sát môi trường nước ở các sông để đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng nước nhằm phát hiện sớm các thông số bất thường, đưa ra cảnh báo và đề xuất các biện pháp quản lý, phòng ngừa ô nhiễm.
Tăng cường quản lý việc khai thác cát, sỏi, đảm bảo không gian thoát lũ trên các dòng sông, phòng chống sụt lún, sạt lở bờ sông. Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Giám sát chặt chẽ các hoạt động xả nước thải từ các khu công nghiệp và làng nghề; hạn chế và tiến tới việc cấm sử dụng các loại hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản gây ô nhiễm nguồn nước.
Đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu dân cư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước ở các lưu vực sông…