Kính thưa: Chủ tọa phiên họp
Kính thưa Quốc hội
Về cơ bản Tôi thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính Phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Tôi xin phát biểu nội dung sau:
Tại Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/ 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nêu rõ: “rà soát nghiên cứu sửa đổi bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của đảng nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường”. Trong dự thảo Luật lần này, tại Điều 8 quy định thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa dịch vụ trong đó có sửa đổi bổ sung mô tả và mức thuế suất đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chưa có quy định bổ sung liên quan tới việc khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường như dòng xe điện Hybid (HEV- Hybrid Electric Vehicle) được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB .
Nhằm khuyến khích sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường theo đúng chủ trương sửa đổi của Dự thảo lần này, Tôi đề nghị bổ sung vào điểm đ, Điều 8 “dòng xe điện Hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế tại Điều 8 Luật này” ; đồng thời sửa đổi mức Thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe điện có sạc ngoài từ mức 70% xuống 50% so với dòng động cơ đốt trong cùng loại.
Đề xuất trên có các lý do sau:
Một là: Sự bất hợp lý của chính sách giữa chính dòng xe điện.
Trên thị trường Việt Nam dòng xe ôtô chạy xăng kết hợp với năng lượng điện Hybrib có 2 hình thức: Có hệ thống sạc riêng và không có hệ thống sạc riêng, tức tự sạc. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ quy định loại xe có hệ thống sạc riêng được hưởng 70% mức thuế TTĐB so với dòng xe động cơ đốt trong cùng loại, còn dòng xe Hybrib tự sạc vẫn chịu mức thuế TTĐB là 100%. Trong khi dòng xe tự sạc cũng tiết kiệm sử dụng nhiên liệu khoảng 30% so với xe xăng, phát thải khí thải thấp, ít ô nhiễm môi trường.
Hai là: Các quốc gia khác trên thế giới, trong giai đoạn chuyển đổi từ việc sử dụng xe xăng sang xe điện, có nhiều quốc gia đã áp dụng các chính sách ưu đãi cho các dòng xe Hybrid và xe thân thiện với môi trường khác, bên cạnh các ưu đãi dành cho xe thuần điện (BEV) như: Thái Lan, Indonexia, Trung Quốc, Hoa Kỳ đã áp dụng thuế suất thuế TTĐB ưu đãi đối với các loại xe thân thiện với môi trường, các dòng xe Hybrib được áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB phụ thuộc vào lượng xả thải của từng loại xe và một số chính sách ưu đãi khác như trợ cấp mua hàng trung ương, hay miễn thuế mua hàng; chính sách tín dụng thuế cho dòng xe này.
Ba là: Thực tiễn ở Việt Nam và xu hướng phát triển của dòng xe Hybrib
– Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình ô tô hóa, với dung lượng thị trường ô tô còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức trung bình thấp, Trong khi đó, thuế phí cao chiếm khoảng 50% giá bán lẻ của xe ô tô, thuộc nhóm những nước có tỷ lệ cao trên thế giới và trong khu vực.
– Trong 10 năm tới, trên toàn cầu, các xe hybrid được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Việc tiêu thụ các dòng xe điện Hybrid sẽ được thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn kể từ khi các quy định/ tiêu chuẩn về tiêu thụ nhiên liệu được ban hành. Con số giả định cho mục đích tính toán là tăng bình quân 30%/năm kể từ năm 2027. Thị phần của dòng xe điện Hybrid có thể đạt tới 15% trong năm 2030 dựa theo kinh nghiệm của Thái Lan. Việc tăng trưởng này là do người tiêu dùng chuyển từ xe xăng sang xe hybrid do giá bán xe hybrid đã tương đương so với xe xăng nếu có chính sách ưu đãi;
+ Trong ngắn hạn và trung hạn, việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng và năng lượng. Vì vậy, việc phát triển dòng xe Hybrib được xem là giải pháp phù hợp trong bối cảnh Việt Nam hiện nay trước khi chuyển sang xe thuần điện;
+ Dòng xe xăng điện không yêu cầu cơ sở hạ tầng mới, không ảnh hưởng đến thói quen sử dụng phương tiện của người dân và di chuyển quãng đường dài như xe thuần xăng, trong khi tiêu thụ ít nhiên liệu, phát thải khí thải thấp và ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với xe thuần xăng. Bên cạnh đó, so với các dòng xe điện hóa không yêu cầu đầu tư mới quá lớn vì có thể tận dụng công nghệ và dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe thuần xăng hiện tại.
Bốn là, tác động của việc ưu đãi thuế với dòng xe Hybrib
Tác động về kinh tế, theo các tính toán dự báo tác động của đề xuất ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrib có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 5 nghìn tỷ VNĐ/ năm trong giai đoạn dự báo (2026-2030). Mức giảm này chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng số thu thuế TTĐB/ năm hiện nay của Việt Nam (tương đương khoảng 0,35% tổng thu thuế hàng năm), song sẽ giúp giảm lượng dầu thô cần nhập khẩu cho hoạt động sản xuất xăng dầu ở Việt Nam, từ đó góp phần vào giảm áp lực lên cán cân thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tác động về môi trường. Đề xuất ưu đãi về thuế TTĐB cho xe Hybrib giúp làm giảm hơn 2,6 triệu tấn lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2026-2030. Theo đó, góp phần giảm thiểu khí nhà kính là một trong những cam kết trọng yếu của Việt Nam đối với quốc tế; sẽ giúp nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và thể hiện trách nhiệm của đất nước đối với cộng đồng quốc tế, làm cơ sở để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero. Hơn nữa việc giảm thiểu khí thải CO2 có thể giúp giảm bớt các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng cao và bão. Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống Thiên tai, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong giai đoạn 2020-2023 ước tính gần 80 nghìn tỷ VNĐ. Các hiện tượng thiên nhiên cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu xuất hiện ngày càng nhiều, khiến việc giảm thiểu phát thải CO2 trở nên ngày càng cấp thiết.
Tác động đối với ngành và xã hội. Đề xuất ưu đãi thuế TTĐB cho xe Hybrib giúp hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành ô tô tại Việt Nam, nâng cao chỉ số cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Việc đầu tư mới và mở rộng các dự án đầu tư sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, cải thiện cơ hội việc làm cho người dân địa phương và nâng cao thu nhập, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mặt khác, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giảm giá bán ra của sản phẩm, thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường., tạo tiền đề chuyển đổi dần sang sử dụng xe thuần điện.
Việc điều chỉnh mức thuế suất đối với hàng hóa dịch vụ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người dân do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các mặt hàng thân thiện môi trường bao gồm dòng xe thân thiện môi trường để bổ sung vào biểu thuế suất cho phù hợp.
Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội
Nguồn: http://vinhphuctv.vn/Qu%E1%BA%A3n-tr%E1%BB%8B/Tin-t%E1%BB%A9c-chung/ID/360942/Bai-thao-luan-Thue-tieu-thu-ac-biet-oi-voi-o-to-cua-ai-bieu-Nguyen-Van-Manh-Pho-truong-oan-ai-bieu-Quoc-hoi-tinh-Vinh-Phuc