Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
Thưa quý vị đại biểu, cùng toàn thể các thành viên của Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc
Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham dự Đại hội lần thứ VI của Câu lạc bộ (CLB) Hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời được các đồng chí mời đảm nhận nhận cương vị Chủ tịch danh dự của CLB Hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là nhiệm vụ tuy không khó, nhưng lại rất có ý nghĩa, đặc biệt vào thời điểm này, khi Vĩnh Phúc đang đứng trước khó khăn chưa từng có (một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh đang bị điều tra, truy tố, kiểm tra, kỷ luật).
Bản thân tôi và chắc là tất cả các đồng chí, chúng ta đều rất buồn.
Tôi quyết định nhận lời mời của các đồng chí làm Chủ tịch danh dự của CLB Hưu trí tỉnh với tâm huyết cùng các đồng chí góp phần xây dựng và củng cố khối đoàn kết, dần khôi phục niềm tin, ổn định tâm tư, tình cảm của các cán bộ hưu trí trong tỉnh, từ đó tiếp sức cho quê hương, vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có mà tỉnh đang phải đối mặt.
Thưa các đồng chí
Phát biểu với Đại hội, tôi xin dành thời gian để tâm sự với các đồng chí. Khi tái lập tỉnh, ngoài CLB Hưu trí tỉnh, còn có Ban Liên lạc cán bộ lão thành. Hiện nay, Ban Liên lạc đã tự giải tán, hầu hết các đồng chí đã mất.
CLB Hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 22/10/1998. CLB đã trải qua 6 kỳ đại hội.
Đây là ngôi nhà chung của những cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương Vĩnh Phúc nay đã nghỉ hưu. Bản thân tôi sau khi nghỉ hưu cũng luôn mong muốn được gặp các đồng chí.
Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, CLB Hưu trí tỉnh đã đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. (Khi tôi làm lãnh đạo tỉnh, tôi luôn đặc biệt coi trọng CLB Hưu trí tỉnh và luôn dành sự quan tâm đến CLB).
Các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho hội viên cũng được CLB chú trọng thực hiện.
Có thể khẳng định, CLB Hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc là tổ chức rất nghĩa tình, trí tuệ của những cán bộ đã từng là lãnh đạo, quản lý của tỉnh và nhiều đồng chí sĩ quan quân đội, công an nghỉ hưu trên địa bàn, những người ngay cả khi đã về nghỉ chế độ vẫn luôn đau đáu cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Thưa các đồng chí
Vĩnh Phúc là vùng đất giàu truyền thống văn hóa – cách mạng, đấu tranh anh dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc với những người con tiêu biểu như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Thái Học, Lê Xoay…
Vĩnh phúc có những người luôn tiên phong đổi mới, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với những người con ưu tú như cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc…
Vĩnh Phúc được các địa phương biết tới là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp – nông thôn, với phương thức “khoán hộ” vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bước đi mang tính đột phá, là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta tổng kết, đề ra đường lối đổi mới kinh tế đất nước.
Trong thời kỳ hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, nhân dân Vĩnh Phúc đã có nhiều đóng góp quan trọng để xây dựng Vĩnh Phú phát triển. Sau 29 năm hợp nhất, ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh.
Chỉ sau chưa đầy 10 năm khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc được biết đến là địa phương phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là công nghiệp.
Khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 52 USD, đứng gần cuối cả nước. Không có công nghiệp; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm trên 50%.
Thu ngân sách không đủ chi, phải nhờ chi viện phần lớn của Trung ương (năm 2001, khi tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh, tôi cùng với đồng chí Vinh, lúc đó là Trưởng phòng của Sở Tài chính, sau này là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – thời điểm đó anh Quốc làm Giám đốc Sở Tài chính – xuống Bộ Tài chính gặp đồng chí Lê Ngọc Trọng – Thứ trưởng Bộ Tài chính xin được đồng chí hỗ trợ 20 tỷ để cân đối cho ngân sách tỉnh, hai anh em mừng không ăn được…)
Khu vực đô thị nhỏ bé: cả tỉnh chỉ có một thị xã Vĩnh Yên được mọi người gọi là “Vĩnh Yên mãi mãi bình yên”. Hệ thống kết cấu hạ tầng kém phát triển. Đặc biệt là hệ thống giao thông. Đời sống người dân rất khó khăn.
Trước tình hình trên, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XII tháng 11/1997 đã thông qua chủ trương thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế của tỉnh, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu sang cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kì 2005 – 2010 đã đề ra chủ trương lớn là tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng cho sự phát triển của tỉnh. (khi được giao cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, tôi nhớ đã lọ mọ đi khắp các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh để tầm sư học đạo, tìm hướng đi cho Vĩnh Phúc. Khi đó, tôi thấy họ phát triển mạnh quá, đa phần đều nhờ phát triển công nghiệp).
Đại hội cũng đề ra mục tiêu:
– Phải đưa Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh cơ bản là công nghiệp vào năm 2020.
– Phải đưa Vĩnh Phúc trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Từ đó xác định bước đi đúng để thực hiện các mục tiêu trên. Đó là:
– Phải lấy công nghiệp làm nền tảng.
– Phải coi phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng (Chúng ta có nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn đầu tiên trong cả nước).
– Phải lấy du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn.
Từ đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp đột phá để huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị, nông thôn, nâng cao đời sống người dân. Những giải pháp chủ yếu thời điểm đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là:
– Tập trung vào công tác quy hoạch (Vĩnh phúc đã dành nhiều kinh phí cho quy hoạch phát triển tỉnh như quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch. Đặc biệt là quy hoạch đô thị Vĩnh phúc là mô hình đầu tiên của cả nước về quy hoạch vùng đô thị trong một địa phương).
– Chủ động quỹ đất cho phát triển.
-Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Coi đây là khâu đột phá.
– Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của Vĩnh Phúc để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đầu tư từ ngoài tỉnh trong khi nguồn lực trong tỉnh còn nhiều khó khăn.
– Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (chúng ta đã có nghị quyết về giáo dục và đào tạo, trong đó có quan điểm coi giáo dục phổ thông là nền tảng, coi phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá…)
– Ổn định xã hội.
Từ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, với tầm nhìn chiến lược trên, cùng với đó là quyết tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả, chỉ chưa đầy 10 năm sau tái lập, Vĩnh Phúc đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương thuộc tốp đầu cả nước về công nghiệp hóa, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và thu ngân sách, nâng cao đời sống người dân.
Nhờ phát triển công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao. Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có kinh tế phát triển cao của cả nước, giai đoạn 2001 – 2010 đạt tỉ lệ tăng trưởng bình quân 16,5%/năm.
Nhờ phát triển công nghiệp, từ chỗ phải xin hỗ trợ của ngân sách trung ương, đến năm 2004 (cách đây tròn 20 năm), Vĩnh Phúc không chỉ cân đối được ngân sách mà đã có đóng góp ngân sách cho Trung ương (chỉ có 11 địa phương có thể điều tiết ngân sách về Trung ương tại thời điểm đó).
Đến năm 2006, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh trong tốp đầu cả nước về thu ngân sách. Liên tục nhiều năm liền, Vĩnh Phúc là tỉnh thu ngân sách nội địa đứng thứ 2 phía Bắc, chỉ sau Thủ đô Hà Nội (đến năm 2017, Quảng Ninh vượt Vĩnh Phúc về thu ngân sách, đến năm 2019, Hải Phòng cũng vượt Vĩnh Phúc về thu ngân sách. Hiện nay, chúng ta đang đứng thứ 4 về thu ngân sách nội địa sau các địa phương trên).
Năm 2005, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 3.500 tỷ đồng. Đến năm 2019, thu ngân sách đạt hơn 35.000 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (sau Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh). Vĩnh Phúc cũng là 1 trong 16 tỉnh/thành phố có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương lớn nhất, lên đến 47% (chỉ đứng sau Hà Nội trong số các tỉnh/thành miền Bắc).
Nhờ phát triển công nghiệp, Vĩnh phúc đã có điều kiện để đầu tư cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, không chỉ ở đô thị, mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là địa phương đi đầu trong quy hoạch vùng tỉnh (không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà kết nối vùng).
Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày một khang trang, văn minh, hiện đại.
Nhờ phát triển công nghiệp, Vĩnh Phúc đã tạo ra rất nhiều việc làm, từ đó giảm lao động trong nông nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, chúng ta đã luôn quan tâm đến phát triển xã hội, chăm lo đời sống người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Cụ thể:
– Vĩnh Phúc là tỉnh đi đầu miễn thủy lợi phí cho người dân. Sau này, Bộ NN&PTNT từ thực tiễn Vĩnh Phúc đã đề nghị Chính phủ miễn thủy lợi phí cho toàn dân.
– Vĩnh Phúc là tỉnh đi đầu hỗ trợ giáo dục mầm non.
-Đặc biệt, Vĩnh Phúc là tỉnh đi đầu trong xây dựng chính sách và thực hiện hỗ trợ đất dịch vụ cho người dân khi bị thu hồi đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị.
Đạt được những thành tựu trên, có nhiều nguyên nhân như tôi đã vừa trao đổi. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, là:
Trong nhiều thời kỳ, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất. Đoàn kết trong thường trực cấp ủy, đoàn kết trong Ban Thường vụ, đoàn kết trong cấp ủy. Từ đó đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân, từ đó tạo động lực mạnh mẽ để phát triển Vĩnh Phúc. Tất cả vì mục tiêu phát triển tỉnh Vĩnh Phúc, vì hạnh phúc của người dân.
Một nguyên nhân không thể thiếu được đó là sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý các thời kỳ của tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có các đồng chí cán bộ hưu trí.
Chúng ta không thể nào quên các thế hệ lãnh đạo tiền bối đi trước, đó là những đồng chí như Lê Xoay, Kim Ngọc, Vũ Ngọc Linh, Hồ Ngọc Thu, Trương Quốc Thái, Lê Thanh, Bùi Hữu Hải, Phan Thế Hùng, Chu Văn Rỵ, hiện nay không còn nữa và nhiều đồng chí khác.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, chúng ta luôn biết ơn các đồng chí là những cán bộ tiêu biểu, đã đặt nền móng và xây dựng để Vĩnh Phúc có ngày hôm nay.
Chúng ta có quyền tự hào về đội ngũ cán bộ hưu trí của tỉnh Vĩnh Phúc gồm những đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh, sĩ quan công tác ở địa bàn Vĩnh Phúc và trên cả nước hiện nghỉ hưu tại Vĩnh Phúc; những người dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh, tâm huyết, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho tỉnh Vĩnh Phúc phát triển qua các thời kỳ. Và đến hôm nay, chúng ta vẫn dành cho Vĩnh Phúc tình yêu, niềm tự hào và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển quê hương.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh ta đứng trước nhiều khó khăn thách thức, kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhiều mục tiêu của Vĩnh Phúc chậm được thực hiện (như mục tiêu đô thị hóa, phát triển du lịch, thu ngân sách, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển…).
Đặc biệt, Vĩnh Phúc hiện đang gặp phải nhiều khó khăn chưa từng có. Việc một số lãnh đạo tỉnh vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật thời gian qua là một cú sốc, đã tạo ra một khoảng trống niềm tin trong cán bộ và nhân dân, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng khôi phục lại sự ổn định và uy tín của tỉnh.
Trong bối cảnh hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc cần thực sự quyết tâm, nỗ lực để vượt qua những thách thức đang đặt ra. Tôi tin rằng, với kinh nghiệm, bản lĩnh, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của các cựu cán bộ, công chức, CLB Hưu trí tỉnh Vĩnh Phúc có thể phát huy vai trò gương mẫu, trở thành tấm gương sáng để các thế hệ công chức hiện tại noi theo.
Tôi rất tán thành phương hướng, nhiệm vụ của CLB trong giai đoạn tới được Đại hội đề ra. Tôi xin đóng góp thêm một số nhiệm vụ thời gian tới.
Thứ nhất, chúng ta cần phát huy truyền thống đoàn kết quý báu mà các thế hệ lãnh đạo tiền bối của tỉnh đã dày công xây dựng; Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đất nước ta vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đưa Việt Nam sánh vai với các nước trên trường quốc tế; chúng ta tin tưởng vào các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Vĩnh Phúc đã được Trung ương kiện toàn các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều là những đồng chí có kinh nghiệm, tâm huyết, trí tuệ. Mong các đồng chí phát huy truyền thống của quê hương Vĩnh Phúc, tháo gỡ khó khăn trước mắt để đưa Vĩnh phúc ổn định, phát triển.
Thứ hai, CLB và từng cán bộ hưu trí tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò gương mẫu, bản lĩnh, trách nhiệm và trí tuệ của mình, bám sát tôn chỉ, mục đích và nội quy của câu lạc bộ, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật để tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đồng thời, CLB Hưu trí tỉnh cần phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đến các tầng lớp nhân dân; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tới cấp ủy, chính quyền các cấp; tích cực tham gia công tác giám sát, phản biện xã hội.
Thứ tư, về hoạt động, Ban Chủ nhiệm và các thành viên chủ chốt của CLB cần tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức, nội dung hoạt động, thu hút sự tham gia rộng rãi của các cán bộ hưu trí với những hoạt động phù hợp, có nhiều ý nghĩa.
Thứ năm, CLB cần đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục truyền thống, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ. Cần tạo ra các chương trình gắn kết giữa các thế hệ cán bộ, truyền đạt kinh nghiệm quý báu từ các thế hệ trước cho thế hệ sau. Sự kết nối này sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thứ sáu, các hoạt động tình nghĩa, từ thiện, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho hội viên cần được tiếp tục chú trọng hơn nữa. Đối với vác đồng chí có khuyết điểm đã phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật, kỷ luật Đảng, CLB cần quan tâm, động viên, hỗ trợ gia đình, người thân của các đồng chí đó trên tinh thần khoan dung, đoàn kết, đùm bọc, nghĩa tình trọn vẹn.
Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, với sự đoàn kết, lòng quyết tâm và tình yêu quê hương, đồng chí, đồng đội, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, đưa Vĩnh Phúc trở lại với vị thế xứng đáng của mình.
Nhân dịp này, tôi xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã luôn dành cho CLB Hưu trí tỉnh sự quan tâm và hỗ trợ cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí. Kính chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!