Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, phồn vinh của dân tộc. Trên hành trình ấy, tự hào với truyền thống vẻ vang 75 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang tập trung nỗ lực với quyết tâm cao nhất hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra, tạo nền tảng vững chắc để đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/2/1950 trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Đến ngày 26/1/1968, theo chủ trương của Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.
Đến ngày 1/1/1997, thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa X về chia tách Vĩnh Phú thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động.
Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước bền bỉ của dân tộc, nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, hết thế hệ này đến thế hệ khác chống lại thiên tai và giặc dã để sinh tồn và phát triển, góp phần làm nên một nền văn minh sông Hồng rực rỡ.
Vĩnh Phúc không chỉ tự hào là cội nguồn, là đất phát tích của dân tộc, mà bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào cũng có những đóng góp quan trọng vào sự sinh tồn của dân tộc, tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần của xã hội.
Đặc biệt từ khi tái lập đến nay, tỉnh đã đưa ra chủ trương, tầm nhìn chiến lược dài hạn. Trong đó, xác định lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng; đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng lĩnh vực dịch vụ, phát triển du lịch làm mũi nhọn; coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Từ đó có chính sách đúng đắn, xác định bước đi thích hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Vĩnh Phúc đã vươn mình mạnh mẽ từ địa phương thuần nông, kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người chưa bằng 50% mức bình quân chung của cả nước thành một trong những tỉnh có công nghiệp phát triển hàng đầu miền Bắc, top các địa phương có quy mô kinh tế và đóng góp cho ngân sách lớn nhất cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao, đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,42%/năm.
Năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, nhưng với nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu đề ra với con số 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước.
Hiện, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp được thành lập, tổng diện tích trên 3.140 ha, trong đó có 9 khu đi vào hoạt động; thu hút vốn FDI cả trong và ngoài khu công nghiệp đạt trên 8,4 tỷ USD với gần 500 dự án.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt trên 173 nghìn tỷ đồng, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt trên 141 triệu đồng/năm (năm 1997, quy mô nền kinh tế mới chỉ đạt gần 2.000 tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người đạt hơn 2 triệu đồng theo giá hiện hành). Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chào mừng Đảng ta 95 năm tuổi; đất nước ta 80 năm thành lập; là năm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2020-2025) và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và càng ý nghĩa hơn với người dân Vĩnh Phúc khi tỉnh kỷ niệm 75 năm hình thành, xây dựng và phát triển.
Do vậy, Vĩnh Phúc xác định năm 2025 là năm bứt phá phát triển kinh tế với quyết tâm phấn đấu tăng trưởng ở mức hai con số để đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước và tạo nền tảng đưa tỉnh bước vào giai đoạn tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các đơn vị, địa phương khẩn trương bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi.
Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ cấu lại các ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực chip, bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường…
Tin rằng, với quyết tâm, nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc sẽ từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước và xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/123467/Vung-buoc-tien-vao-ky-nguyen-moi