(MPI) – Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ năm và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được diễn ra ngày 14/01/2025 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tham gia bàn chủ tọa và phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: MPI |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND của 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Hội nghị là dịp quan trọng để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng cùng nhau đánh giá lại kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; kết quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án đã được giao trong năm 2024; dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng năm 2025 và nhìn nhận kịp thời những khó khăn, thách thức, vướng mắc trong thời gian tới, cùng xác định phương hướng, giải pháp khắc phục để tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2025 và toàn khóa.
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 vùng Đồng bằng sông Hồng; tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2024, dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, kinh tế – xã hội của Vùng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, luôn đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng trưởng kinh tế vượt mức bình quân chung cả nước và vượt vùng Đông Nam bộ; tiếp tục dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Với nhiều kết quả nổi bật đạt được về phát triển kinh tế nêu trên, có thể khẳng định vị thế, vai trò là vùng động lực, định hướng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của cả nước và “là một trong các vùng đi tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”.
Về dự kiến kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, những năm tới cả nước phải nỗ lực thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững, bao trùm, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số”.
Vì vậy, nhiệm vụ của năm 2025 là rất nặng nề, vừa phải tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của năm 2025 và toàn khóa, vừa đẩy mạnh đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa phải tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng nên cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương trong đó có Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết, phù hợp, khả thi, sát thực tiễn. Các ý kiến cũng bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đánh giá vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng năng động bậc nhất của cả nước, một cực tăng trưởng với sự phát triển của đất nước.
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vùng vẫn đạt nhiều kết quả tích cực về mọi phương diện, cao hơn so với năm 2023.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,8%, chỉ đứng sau vùng trung du và miền núi phía Bắc (9,1%). Tổng thu ngân sách Nhà nước của vùng năm 2024 đạt trên 882,65 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 43,4% tổng thu ngân sách cả nước (tăng 22% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao), cao nhất trong các vùng kinh tế.
Xuất khẩu năm 2024 đạt trên 132 tỷ USD, chiếm gần 32,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước, cao nhất trong các vùng kinh tế. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2024 cao nhất trong các vùng kinh tế: Tính đến hết năm, vùng Đồng bằng sông Hồng có số vốn đầu tư đăng ký cao nhất với tổng vốn đạt 20 tỷ USD, chiếm gần gần 53% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Có 4 địa phương (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội) nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu, Quảng Ninh có bước đột phá lần đầu tiên đứng vị trí thứ 2 cả nước về thu hút FDI năm 2024.
Khu vực doanh nghiệp của vùng luôn năng động thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ. An sinh, xã hội tốt nhất cả nước; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của vùng luôn đạt mức thấp nhất của cả nước.
phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.
Tập trung thu hút đầu tư các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao như điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, logistics. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối một số lĩnh vực…
Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội vùng và Quy hoạch vùng, đặc biệt đối với các nhiệm vụ, dự án trọng điểm, liên vùng, các bộ, ngành địa phương đã vào cuộc tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% và cao nhất có thể; từ đó tạo đà cho năm 2026-2030 tăng trưởng kinh tế lên 2 con số. Hiện nay Thành phố đang tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ cố gắng khởi công sớm nhất các cây cầu qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi. Nếu hoàn thành xong những cây cầu này sẽ tạo ra không gian rất lớn để phát triển.
Về mặt thể chế, phân cấp ủy quyền, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách thêm; Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án lấy nước sông Hồng để hồi sinh sông Tô Lịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông bày tỏ thống nhất với báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 vùng Đồng bằng sông Hồng; tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2024, dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2025 của Vùng. Các kết quả đạt được rất ấn tượng, thể hiện sự điều phối, lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Hội đồng Vùng.
Ông Trần Duy Đông cho rằng, về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 2 con số có các điều kiện như quyết tâm chính trị cao của Trung ương Đảng, của cả hệ thống chính trị trong việc phát triển đột phá bước vào kỷ nguyên mới; nhiều luật mới, quan trọng được ban hành đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương; cơ sở hạ tầng trong Vùng tương đối đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng; Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; gần đây nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050;… Đây là những văn bản rất quan trọng để các địa phương cụ thể hóa thành kế hoạch thu hút đầu tư tại địa phương mình.
Đối với tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, tỉnh đã nỗ lực đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 ước tăng 7,52%; Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 11,3% so với năm 2023; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 28.705,7 tỷ đồng, tăng 5,25% so với cùng kỳ, đạt 90,37% dự toán giao đầu năm.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho năm 2025, đưa ra các giải pháp cụ thể; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, trong đó lồng ghép các chỉ tiêu cụ thể; sớm kiện toàn sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; rà soát các quy định mới ban hành liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật PPP,… để tháo gỡ khó khăn cho các dự án kéo dài; tập trung thu hút nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước; thúc đẩy giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm; tập trung vào các dự án công nghệ cao, dự án công nghệ bán dẫn; rà soát, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị và thay mặt Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng thời gian qua, đóng góp quan trọng cho thành tựu chung của đất nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả rất cơ bản đã đạt được, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số điểm nghẽn, nút thắt hiện nay; nêu những nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025 và nhấn mạnh, năm 2025 thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, vừa thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 ít nhất 8% và đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phải quán triệt tinh thần nói trên, với tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết vấn đề sát tình hình thực tế, kịp thời phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời đề nghị từng thành viên, các Bộ, cơ quan, địa phương trong Vùng phát huy trách nhiệm cao nhất, tiếp tục tích cực, chủ động hơn nữa triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả các hoạt động điều phối vùng, để mỗi hội nghị của Hội đồng là một ngày vui, đạt kết quả cụ thể, khắc phục được những hạn chế, bất cập, yếu kém mà phiên họp trước đã chỉ ra và đề xuất những giải pháp đột phá để ưu tiên cho tăng trưởng 2 con số./.