Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi trường hợp người tình nguyện cứu nạn, cứu hộ và tham gia phòng cháy, chữa cháy khẩn cấp có phải đăng ký với công an hay không?
Sáng 1.11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH)
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho biết, tại khoản 2, Điều 39 quy định: “Cá nhân có nguyện vọng tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện thì đăng ký với Công an cấp xã nơi cư trú để huy động khi có yêu cầu”.
Vậy, đại biểu đặt câu hỏi trường hợp người tình nguyện tham gia PCCC và CNCH khẩn cấp có phải đăng ký với công an hay không?
Trên thực tế có nhiều người tình nguyện tham gia CNCH trong trường hợp khẩn cấp để cứu người, hạn chế thương vong khi chưa có lực lượng chức năng.
Đại biểu nêu ví dụ về thanh niên đã tự nguyện cứu được một số người trong vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội). Một số người dân tham gia chữa cháy ở cầu Phú Mỹ (đoạn thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vào tháng 8 trong khi chưa có lực lượng chức năng đến hiện trường.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trường hợp tình nguyện PCCC và CNCH trong tình huống khẩn cấp” vào cuối khoản trên.
Về báo cháy, tình huống cần phải CNCH, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị xem xét bổ sung một khoản quy định UBND cấp xã có trách nhiệm thông tin về danh sách các cơ quan, tổ chức thuộc lực lượng PCCC và CNCH, cơ quan Công an trên địa bàn xã, kèm theo điện thoại đường dây nóng và địa chỉ liên hệ để người dân biết và lựa chọn nơi gần nhất để báo cháy, CNCH trong trường hợp cần thiết.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát quy định về thẩm định phòng cháy ở cả giai đoạn thiết kế cơ sở, chuẩn bị cho đầu tư về nguyên tắc PCCC.
Bổ sung nguyên tắc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong PCCC; về báo cháy, tình huống CNCH; phương pháp xử lý báo cháy; về phòng cháy đối với nhà ở và nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.
Nghiên cứu việc quy định bố trí phòng ngủ trong khu vực sản xuất kinh doanh phải có lộ trình để cho các cơ sở này có điều kiện thiết kế phù hợp, theo đúng khả năng kinh tế xã hội; quy định chế độ kiểm tra định kỳ, công khai trên các nền tảng quản lý của Nhà nước về PCCC trong lắp đặt, sử dụng điện.
Quy định rõ hơn với các công trình nhà cao tầng, chung cư, cơ sở sản xuất về lắp đặt, sử dụng điện; về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xây dựng hạ tầng và lắp đặt thiết bị điện; về xây dựng, bố trí lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng PCCC; rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng PCCC.
Nghiên cứu quy định về thành lập lực lượng PCCC ở cơ sở cho phù hợp theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết với các loại hình cơ sở; bổ sung quy định rõ hơn về xử lý tình huống khẩn cấp, CNCH khi chưa có cơ quan chức năng.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/ban-khoan-cuu-nguoi-trong-dam-chay-phai-dang-ky-voi-cong-an-1415515.ldo