Từ xưa, Tam Dương đã nổi tiếng với câu ca “Dứa Hướng Đạo, Gạo Long Trì” – hai sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của huyện. Gạo Long Trì được bắt nguồn từ thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng và riêng biệt, bởi vậy đã tạo nên những hạt gạo trắng trong, thơm ngon và có mùi vị khác biệt so với các loại gạo khác.
Trước đây, người dân Long Trì chủ yếu cấy lúa ri, lúa rảnh, lúa câu dài ngày, năng suất chỉ vài chục cân/sào. Do năng suất thấp nên dần dần những giống ấy ngày càng mai một, nhường chỗ cho các giống lúa thông thường như: Nông nghiệp 8, Mộc Tuyền, Khang Dân, Q5, X21… Năm 2006, giống lúa Hương thơm đã được trồng thử nghiệm 1 ha ở thôn Bầu Long Trì. Khi thu hoạch, năng suất cao, cơm nấu lên thơm ngon dẻo nhưng dân không thích vì chỉ quen ăn Khang Dân, Q5 cứng. Lúc này gạo lại chưa có thương hiệu, chẳng ai quan tâm đến gạo đặc sản nên giá bán rẻ ngang với gạo Khang Dân mà vẫn ít người mua. Nhiều người thôn Bầu Long Trì lúc đó phải đem số gạo Hương Thơm đi cho hoặc biếu. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự cộng tác của các nhà khoa học, sự tích cực của Hội sản xuất gạo Long Trì, những nguồn gen quý hiếm được nghiên cứu, cho ra đời và đưa vào sản xuất hàng loạt những giống lúa mới: Hương thơm số 1, XT27, LT2, T10, TH3-3, gần đây nhất là QR1 và VS1. Để đạt hiệu quả cao về kinh tế từ quy trình sản xuất lúa đến sản xuất gạo và bao tiêu sản phẩm đầu ra, Hiệp hội Gạo Long Trì đã tiến hành liên hệ, cung ứng giống và phân bón cho hội viên đảm bảo chất lượng theo quy định; hướng dẫn từng quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc; đồng thời chú trọng công tác dự thính, dự báo tình hình sâu bệnh, dịch vụ cung ứng và phun thuốc BVTV. Để đưa ra một sản phẩm gạo Long Trì ra thị trường, sau khi thu hoạch, gạo được phơi sấy đúng kỹ thuật, phơi ít nhất là 5 nắng. Sau khi phơi xong bảo quản sạch, nếu chưa xay sát phải để trong bao bì có ni lông. Nếu không xay sát ngay thì khi xay sát, để gạo nguội, có nghĩa là gạo trong vòng 5 đến 7 tiếng cho nguội mới bắt đầu đóng vào bao bì ni lông. Đóng vào bao bì ni lông xong dần lại một lần nữa, sơ chế lần nữa, nhặt hết, bỏ hết thóc, trấu và sạn có màu rồi mới đưa vào bao bì có nhãn mác và đưa ra thị trường.
Giống lúa được trồng trên cánh đồng Long Trì có ưu điểm là gạo đều, ít tấm, khi xay xát không gãy, hạt gạo trắng trong, nhỏ, bóng, có mùi thơm. Gạo được nấu thành cơm không dính, hạt cơm rất dẻo, dai, vị đậm, thơm nhẹ đặc trưng, khác biệt với bất kỳ loại gạo nào khác. Đặc biệt, cơm nấu hôm trước để đến hôm sau vẫn dẻo, mềm. Cơm gạo Long Trì mà ăn với quả trám đen chấm tương hoặc muối vừng sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng bởi vị béo pha chút hương thơm khó lẫn. Trước đây, người dân đang ăn gạo Khang Dân, Q5 (cơm cứng, gạo không thơm) nên khi chuyển sang ăn cơm gạo đặc sản thấy rất ngon miệng, hạt cơm trắng ngần, dẻo, mùi thơm nhè nhẹ đưa lên mũi, càng nhai càng cảm nhận được vị đậm. Có nhiều người mua gạo Long Trì về ăn thử một vài bữa, rồi thành ra nghiện thứ gạo ấy. Không có hương thơm nhè nhẹ của nó thì bữa cơm không ngon. Do vậy nhiều tư thương ở các địa phương khác, cả trong tỉnh, ngoài tỉnh đã tìm về để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay thôn Long Trì có trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, diện tích gieo cấy 50 ha/vụ; năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, sản lượng cung ứng ra thị trường đạt 100 tấn/năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, Hội sản xuất Gạo Long Trì bán ra thị trường trên 4 tấn gạo, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân tham gia sản xuất. Cùng với thương hiệu dần được khẳng định thì giá trị kinh tế của gạo Long Trì cũng được nâng lên.Trước kia, khi chưa có thương hiệu, gạo bán ra với giá trung bình 10.000đồng/kg và chỉ bán được ở phạm vi khu vực huyện. Sau khi thương hiệu gạo Long Trì được khẳng định trong lòng người tiêu dùng, giá gạo tăng lên từ 16.000 – 18.000đ/kg, cao hơn từ 5.000đ – 7.000đ/kg so với các loại gạo tẻ khác.
Với chất lượng và ưu điểm vượt trội, tháng 8 năm 2013, gạo Long Trì đã được vinh danh tại Lễ công bố kết quả và cấp chứng thư cho Top 10 thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 do Tạp chí Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức.
Từ xa xưa cho đến hiện nay, từ những cô hàng xáo cho đến người tiêu dùng gần xa đều ưa chuộng mà dành cho gạo Long Trì những lời nhận xét: “Chưa vào đến môi đã trôi đến họng”. Đó là ghi nhận cho sự kết tinh giữa nắng gió thiên nhiên và bàn tay, trí tuệ của con người vùng đất này. Với tình yêu quê hương, yêu hạt gạo thơm ngon, chắc chắn những người dân nơi đây sẽ tiếp tục làm cho hương gạo Long Trì bay xa đến được với nhiều người tiêu dùng hơn nữa.
Đến nay, “Gạo Long Trì” đã trở thành thương hiệu, được quảng bá rộng khắp trên thị trường trong tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hy vọng rằng, thời gian tới, thương hiệu “Gạo Long Trì” tiếp tục khẳng định vị thế ở tầm cao mới, đem đến cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.