Từ nhiều năm nay, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), coi đó là trách nhiệm thiêng liêng, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các Mẹ cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.
Cán bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban MTTQ thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô thăm hỏi tình hình sức khỏe của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Quốc ở tổ dân phố Lạc Kiều.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lác ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên có con trai duy nhất là liệt sĩ Nguyễn Trung Phê hy sinh trong chiến tranh biên giới năm 1979. Năm nay Mẹ Lác đã ngoài 90 tuổi, đang sống cùng cháu dâu. Ngoài đơn vị Viễn thông Vĩnh Phúc nhận phụng dưỡng suốt đời, mẹ còn thường xuyên nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần rất lớn giúp mẹ sống vui, sống khỏe.
Chúng tôi đã đến thăm gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Quốc ở tổ dân phố Lạc Kiều, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô. Mẹ Quốc năm nay gần 100 tuổi, nhưng mẹ vẫn rất minh mẫn, vui khỏe. Mẹ có 2 người con trai là liệt sĩ, hiện đang sống cùng gia đình con trai út và được Ban CHQS huyện Sông Lô nhận phụng dưỡng suốt đời.
Mẹ Quốc chia sẻ: “Tuy các con của mẹ không còn, nhưng từ nhiều năm nay, mẹ được lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, thị trấn, bà con hàng xóm quan tâm, động viên và luôn có mặt bên mẹ những thời khắc mẹ cảm thấy buồn nhất. Những tình cảm ấy là nguồn động viên lớn để mẹ sống vui, sống khỏe bên con cháu”.
Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Lô Lê Thanh Dự cho biết: “Thể hiện sự tri ân đối với người có công, gia đình chính sách nói chung và Mẹ VNAH nói riêng, hằng năm, vào dịp lễ, Tết, đặc biệt là kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7), Huyện ủy, UBND huyện luôn tổ chức các đoàn công tác tới nhà thăm hỏi, tặng quà các mẹ.
Đồng thời, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng chỉ đạo, nhắc nhở cán bộ cơ sở thường xuyên tới thăm hỏi và nắm bắt tình hình đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của các mẹ, kịp thời hỗ trợ, động viên các mẹ mỗi khi ốm đau, khó khăn”.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hơn 15 nghìn liệt sĩ, hơn 10 nghìn thương binh, bệnh binh, 1.493 Mẹ VNAH (hiện nay còn 18 mẹ còn sống). Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định như chi trả trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; cấp thẻ BHYT; xây mới và sửa chữa nhà ở; tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng tập trung; phối hợp với các đơn vị, ngành Y tế tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; trao sổ tiết kiệm tặng Mẹ VNAH…
Đến nay, trên địa bàn không còn gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, cận nghèo, ở nhà xuống cấp, dột nát. Để đảm bảo nâng cao đời sống sinh hoạt cho các mẹ, năm 2020, mức trợ cấp đã tăng lên 700 nghìn đồng/mẹ/tháng. Ngoài ra, khi các mẹ ốm đau, các đơn vị đều đến hỏi thăm, tặng quà và khi các mẹ qua đời sẽ thực hiện các nghi lễ theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực tổng hợp, thông tin, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định giao trách nhiệm phụng dưỡng Mẹ VNAH, có công văn hướng dẫn các đơn vị thủ tục trong việc nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, 100% Mẹ VNAH còn sống được các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị quân đội, công an, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với các hoạt động như trợ cấp thêm kinh phí hằng tháng để hỗ trợ nâng cao mức sống; thường xuyên thăm hỏi, động viên vật chất, tinh thần đối với các mẹ, đặc biệt là các dịp lễ, Tết; phối hợp với thân nhân của các mẹ và địa phương quan tâm đến điều kiện sinh hoạt của các mẹ; tổ chức để các mẹ cùng tham gia các chuyến tham quan, du lịch và các hoạt động văn hóa xã hội của cơ quan, đơn vị…
Một số đơn vị tiêu biểu như Công ty cổ phần thương mại Sông Hồng Thủ đô, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Ngân hàng Hàng hải, Viễn thông Vĩnh Phúc… thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà các mẹ vào dịp lễ, Tết; nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH với mức trợ cấp từ 500.000 – 1.500.000 đồng/mẹ/tháng và có người phục vụ đến cuối đời theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công.
Việc nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời Mẹ VNAH không những mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà qua đó còn giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng cuộc sống độc lập, tự do hôm nay.
Đây là hành động đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các Mẹ VNAH, người có công, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, sự tri ân sâu sắc của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.