Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân thị trấn Hương Canh nói riêng, nhân dân Vĩnh Phúc nói chung, mà còn đặt ra trách nhiệm cần phải gìn giữ, phát huy những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của cụm di tích đến muôn đời sau.
Dù trải qua nhiều lần trùng tu, song đình Hương Canh vẫn giữ được nét đẹp nguyên bản của ngôi đình cổ.
Theo cách hiểu của người dân địa phương, Hương Canh là tên gọi chung của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (Tiên Hường). Mỗi làng có 1 ngôi đình cổ, được xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
3 ngôi đình ở Hương Canh (còn gọi là cụm đình Tam Canh) là những ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ. Cả 3 ngôi đình đều thờ 6 vị Thành hoàng làng là vua Ngô Xương Ngập, vua Ngô Xương Văn, tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng 3 vị thánh mẫu là Linh Quang Thái hậu, Khả/A Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân.
Tổng thể mặt bằng kiến trúc của 3 ngôi đình bố cục kiểu chữ “Vương”. Cả 3 ngôi đình đều có mặt bằng tương tự bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, sân đình và đại đình. Các ngôi đình có kiến trúc cổ điển với các chi tiết, hoa văn được chạm trổ hết sức cầu kỳ, tinh xảo. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở cụm đình Tam Canh vừa mang nét tự do của điêu khắc đời Hậu Lê vừa mang tính ước lệ, quy chuẩn ở đời Nguyễn.
Đình Hương Canh có bố cục hướng Tây, trong đình có 19 bức chạm khắc lớn, nhỏ được thể hiện trên các đầu dư, xà, bẩy, rường và trên hệ thống cửa võng. Các bức chạm ghép lại tạo thành mảng lớn mô phỏng hình ảnh lễ hội làng. Các bức chạm có thể phân thành từng lớp với nội dung khác nhau, hoặc đan xen nhau, lấy hình tượng rồng làm chủ đạo.
Đình Hương Canh trải qua nhiều lần trùng tu, lần trùng tu mới nhất vào năm 2010, đình được cải tạo và phục dựng lại tòa hậu cung và xây mới nghi môn. Đình Ngọc Canh được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII trên nền một ngôi đình cũ. Đình có bố cục hài hòa và kiến trúc đồ sộ với hệ thống cột lớn vững chãi. Cửa võng đình Ngọc Canh được chạm khắc tinh xảo với lối bố cục như đình Hương Canh, nhưng mang phong cách của thời Nguyễn.
Nếu như những bức chạm ở đình Hương Canh thiên về miêu tả cảnh lễ hội thì những bức chạm ở đình Ngọc Canh lại thiên về miêu tả cuộc sống thường nhật với những người lao động chăm chỉ và những thú vui hằng ngày ở vùng nông thôn. Đặc biệt, bức chạm “Đánh cờ” bên trong đình Ngọc Canh đã được đưa vào tem Bưu chính Việt Nam năm 1999.
Đình Tiên Canh có bố cục hướng Tây Nam, phía Tây của đình là một ao rộng. Nghệ thuật chạm khắc tại đình Tiên Canh cũng tương tự như 2 ngôi đình thuộc cụm đình Tam Canh. Tuy nhiên, đình có đặc điểm ít miêu tả cảnh sinh hoạt của con người, hầu hết các bức chạm miêu tả cảnh thiên nhiên và các linh vật như long, ly, quy, phượng… Trong đó, rồng là linh vật được chạm khắc nhiều với các hình tượng như đầu rồng, long cuốn thủy, rồng cuốn cột, cá hóa rồng…
Cụm đình Tam Canh là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân làm nông nghiệp và làm gốm thủ công. Đình làng lưu giữ thành quả lao động của nhân dân về nghệ thuật kiến trúc gỗ trên cơ sở kế thừa truyền thống và có những nét sáng tạo mới, đề cao nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc gỗ thế kỷ XVII, XVIII.
Cụm đình Tam Canh thực sự là biểu trưng của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc gỗ vùng trung du đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, 3 ngôi đình còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị như sắc phong (từ thời Hậu Lê đến cuối thời Nguyễn), đại tự, án thư, lư hương, hoành phi, sắc phong, kiệu thờ, cửa võng…
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình là nơi chứa lương thực, hội họp. Ngày nay, đình là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội cùng các trò diễn dân gian địa phương. Hằng năm, dân làng thường tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để tưởng nhớ công đức to lớn của các Thành hoàng làng. Với những giá trị trường tồn, cụm đình Tam Canh vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là cơ sở pháp lý để các cấp, ngành và địa phương tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị của cụm di tích, gìn giữ cho muôn đời sau.
Cùng với cây đa, bến nước, mái đình là biểu tượng của làng xã Việt Nam, là nhân chứng lịch sử gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh Vũ Thị Thúy Hằng cho biết: “Những năm qua, địa phương luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo 3 ngôi đình cổ thuộc cụm đình Tam Canh.
Ban Quản lý Khu di tích cụm đình Tam Canh phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch toàn bộ diện tích đất ở cụm đình, xây lại tường bao quanh khu vực cụm đình, khu vực sân đình được lát gạch, trồng cây khang trang, sạch đẹp.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cụm đình Hương Canh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với người dân thị trấn Hương Canh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của cụm di tích cho muôn đời sau”.