Vĩnh Phúc không chỉ có danh lam thắng cảnh kỳ thú mà còn là có những di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách của UNESCO. Vĩnh Phúc là điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ ngắn ngày, rời xa nhịp sống đời thường gấp gáp.
Vĩnh Phúc mùa nào đẹp
Vĩnh Phúc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm. Nhiệt độ trung bình năm 23 – 25 độ C. Bạn nên ghé thăm vào mùa hè hoặc thu để tận hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu. Mùa hoa dã quỳ vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 hàng năm.
Di chuyển
Vĩnh Phúc chỉ cách Hà Nội hơn 60 km, du khách có thể di chuyển bằng ôtô, xe buýt, xe khách, taxi hoặc xe máy. Chọn xe khách, bạn xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, giá vé khoảng 60.000 – 80.000 đồng. Thời gian đi lại khoảng 1,5 tiếng, nhưng có thể lâu hơn nếu xe dừng đón, trả khách dọc đường.
Xe máy hoặc ôtô là phương tiện thuận tiện. Từ trung tâm Hà Nội bạn đi theo lối đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài (gần 20 km), gặp quốc lộ 2 đi về hướng Tây – Tây Bắc khoảng 26 km nữa là đến địa phận Vĩnh Phúc.
Chú ý chạy đúng tốc độ, quan sát biển báo. Đặc biệt cẩn trọng khi ghé Tam Đảo và thiền viện Tây Thiên vì đường có nhiều đoạn cua gấp, dốc.
Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Lưu trú
Khách đến Vĩnh Phúc thường đặt phòng ở Tam Đảo hoặc quanh hồ Đại Lải để tận hưởng kỳ nghỉ. Tam Đảo có nhiều homestay, nhà nghỉ, khách sạn từ bình dân tới sang trọng. Giá phòng tùy hạng từ 450.000 đồng tới 2.000.000 đồng một đêm. Một số homestay đẹp, vị trí thuận tiện với giá hợp lý cho các bạn trẻ là 90s Homestay, Cuden, Levent, Le Bleu… Chọn resort, khách sạn cao cấp hơn, bạn có thể nghĩ tới Tam Đảo Belvedere, Venus, Bách Xanh, May Villa…
Một số khách sạn 5 sao là Flamingo Đại Lải Resort, Westlake Hotel & Resort, FLC Vĩnh Thịnh, DIC STAR Vĩnh Phúc. Flamingo Đại Lải Resort được lòng khách du lịch nhờ không gian riêng tư giữa rừng thông, hồ nước, với tổ hợp giải trí, spa, golf, nhà hàng… và hệ thống villa sang trọng. Giá thuê từ khoảng 2.000.000 đến 13.000.000 một đêm.
Chơi đâu
Tam Đảo
Tam Đảo được mệnh danh là Đà Lạt ngay gần Hà Nội, với vẻ đẹp hoang sơ của các ngọn núi ẩn hiện trong mây, cùng những kiến trúc Pháp tuyệt đẹp còn sót lại. Đến đây, bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp ở nhà thờ đá, vườn quốc gia Tam Đảo, hoặc lên tháp truyền hình, chiêm bái đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, đền Đức Thánh Trần; chinh phục đỉnh Rùng Rình vào sớm mai để thấy toàn cảnh thị trấn từ trên cao trong làn mây trắng bảng lảng trôi qua trước mặt…
Ảnh: Yukata
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Cách Tam Đảo khoảng 25 km, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên sở hữu phong cảnh sơn thủy hữu tình, tọa lạc trên sườn núi cao bề thế giữa rừng thông và mây ngàn. Không chỉ là ngôi chùa có kiến trúc hoành tráng bậc nhất miền bắc Việt Nam, đây còn là một trong 3 thiền viện lớn nhất nước. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, cùng khí vị linh thiêng của chốn tu hành khiến Thiền viện mang vẻ đẹp thanh bình, thoát tục.
Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước. Viếng chùa, du khách không chỉ dâng hương cầu may, cầu tài mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng trùng điệp ở nơi đây. Bên cạnh Thiền viện trúc lâm Tây thiên là Thiền viện trúc lâm An tâm, nơi tu tập của các Ni sư.
Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Chùa Tích Sơn
Tích Sơn vốn là một ngôi chùa cổ, là điểm đến du lịch tâm linh của người dân Vĩnh Phúc và nhiều du khách thập phương tìm về. Về thời gian xây dựng chùa Tích Sơn không có tài liệu nào ghi rõ, tuy nhiên thông qua kiến trúc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chùa được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời nhà Nguyễn và trải qua nhiều lần trùng tu.
Ảnh: Chùa Tích Sơn – Vĩnh Phúc
Hồ Đại Lải
Hồ Đại Lải thuộc địa phận xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, cách Hà Nội hơn 40 km, nằm ngay dưới chân núi Tam Đảo. Là hồ nước nhân tạo, Đại Lải như một viên ngọc quý do con người tạo ra. Giữa trập trùng những đồi núi, rừng cây là hồ nước mênh mông xanh biếc, quanh năm soi bóng núi mây trời. Ở đây du khách có thể dạo chơi, ngắm cảnh, đi du thuyền, tắm hồ, câu cá, leo núi… hoặc thưởng thức các món ăn dân tộc đặc sắc.
Hồ Đại Lải nhìn từ trên cao.
Không gian nghệ thuật giữa rừng thông bên hò Đại Lải.
Hồ Xạ Hương
Theo con đường lên Tam Đảo thêm khoảng 12km là bạn đã tiến sát mép hồ. Hồ Xạ Hương nằm ẩn mình trong thung lũng dưới chân núi Con Trâu, thuộc làng Xạ Hương, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo. Tuy là hồ nhân tạo nhưng lại mang nét hoang sơ, với nhiều ngách lớn xuyên qua các cánh rừng. Hồ được ngành xây dựng thủy lợi xây dựng từ năm 1984 với sức chứa hơn 12 triệu lít nước, rộng hơn 80ha.
Hồ Bản Long
Nếu hồ Xạ Hương nằm ở phía bắc như hình con chim phượng hoàng đang xà lên lưng núi Con Trâu thì hồ Bản Long nằm ở phía nam như hình con rồng đang cuộn sóng, cuốn lấy núi từ phía trước, ngóc đầu lên phía thượng ngàn là thác Bản Long.
Thành phố Vĩnh Yên
Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Những điểm tham quan gợi ý là Công viên quảng trường Hồ Chí Minh – biểu tượng mới của thành phố, chùa Hà Tiên cổ kính từ thế kỷ 18, đầm Vạc được ví như “hồ Tây của Vĩnh Yên”…
Thành phố Vĩnh Yên về đêm. Ảnh: TT-GTĐT Vĩnh Phúc
Làng gốm Hương Canh
Làng gốm Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nằm ngay bên đường quốc lộ số 2. Nơi đây không chỉ nổi tiếng về nghề làm gốm mà còn là một ngôi làng cổ rất đẹp. Trong làng có 3 ngôi đình lớn được xây dựng bằng gạch nung và gỗ lim khoảng 500 năm tuổi (thờ 3 người con của Ngô Quyền), chùa Cả, chùa Lò Ngói linh thiêng.
Đến với làng gốm Hương Canh, bạn có thể thuê xe đạp dạo chơi quanh làng hoặc tản bộ để tận mắt chứng kiến những công đoạn làm gốm và ngắm những vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành… khắp nơi ở đây.
Từ trung tâm thành phố Vĩnh Yên, du khách đi chừng 20 km dọc theo quốc lộ 2A rẽ trái theo đường 305 đường tỉnh lộ Vĩnh Yên – Vĩnh Tường để đi thăm các làng nghề truyền thống của huyện Vĩnh Tường. Trong đó, làng mộc Bích Chu nổi tiếng với kỹ nghề làm gỗ mỹ nghệ; làng rèn Lỹ Nhân, làng rắn Vĩnh Sơn với nghề chăn nuôi rắn…
Đặc sản
Đến với Vĩnh Phúc, du khách không chỉ được tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thực sự, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn được thưởng thức những đặc sản riêng của vùng như gà đồi, lợn mán, ngọn su su Tam Đảo, cá thính Lập Thạch, dứa Tam Dương, tép Dầu Đầm Vạc, rượu dừa Yên Lạc… Ngoài ra còn có bánh ngõa Lũng Ngoại, bánh trùng mật mía Vĩnh Tường, bánh gio Tây Đình, bánh hòn Hội Hợp, chè kho Tứ Yên…
Lưu ý
Kiểm tra thời tiết trước khi lên đường.
Nên mang theo áo khoác gió, mũ nón vì thời tiết ở những vùng núi cao thay đổi nhanh và thường lạnh hơn khi đêm xuống.
Mang giày dép phù hợp để đi bộ.
Thuê xe máy và đổ xăng ở Tam Đảo giá khá cao nên hỏi kỹ giá trước.
Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên