Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Hiện nay, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN, thúc đẩy ĐMST và CĐS, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ KHCN và ĐMST quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển.
Do vậy, trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là hướng đi mà Bộ Chính trị mong muốn thực hiện để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Theo nghị quyết này, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị là phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Để thực hiện tốt chủ trương này, Bộ Chính trị yêu cầu cần có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Đồng thời, xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.
Trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích ĐMST, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài…
AN NHIÊN
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202412/xung-luc-moi-75605d8/