(VLO) Những ngày nắng nóng, các khu vực đô thị (ĐT) càng ngột ngạt, oi bức hơn bởi diện tích bê tông dày đặc. Theo đó, người dân ĐT phải tìm cách tránh nóng. Về lâu dài, cần có giải pháp “giải nhiệt” cho ĐT.
Một góc công viên TP Vĩnh Long. |
Ngồi ở băng đá dưới góc cây xanh công viên TP Vĩnh Long, bà Trần Thị Hồng (71 tuổi, ở Phường 1, TP Vĩnh Long) cho biết: “Ở nhà nóng quá, bật quạt một lát cũng nóng nên tui qua công viên ngồi cho mát”.
Bà Hồng cho biết thêm, những ngày nắng nóng, ngày 2 lần qua công viên ngồi lại hàng giờ, cây xanh dịu mát giúp cảm thấy thư giãn hơn.
Theo bà, “thành phố có những công viên cây xanh như vầy rất quý, nhưng cần quan tâm chăm sóc, kịp thời loại bỏ cây cao có nguy cơ đổ ngã; quan tâm khoảng cách giữa các cây; chọn trồng các loại cây vừa tạo được bóng mát, vừa làm đẹp…”.
Những ngày nóng, chiều nào anh Nguyễn Hoàng Khang (ngụ Phường 2, TP Vĩnh Long) cũng chở con ra quảng trường hóng mát. Theo anh Khang, khu vực anh ở rất ít cây xanh, đặc biệt là những cây cao tỏa bóng mát.
Trong khi nhà cửa, đường sá đều là bê tông nên không chỉ buổi trưa mà chiều tối vẫn rất nóng. Do đó, anh chở con ra quảng trường có cây xanh, gió sông mát mẻ để con vui chơi một lát. Dù vậy, anh Khang cho biết thêm “hễ về tới nhà là phải bật máy lạnh ngay”.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ), không cần nhiều số liệu khoa học dẫn chứng, cảm nhận của mọi người dân đều thấy rõ hầu hết các ĐT rất bức bối với các ngày nắng nóng cực đoan, bất kể vài trận mưa giông đột ngột vẫn không giảm đi bao nhiêu nền nhiệt cao ở các ĐT.
Ông cho rằng, “không nóng bức sao được khi những hành vi của con người đang tiếp tay đáng kể cho những hiện tượng sóng nhiệt cao do thời tiết cực đoan hay khí hậu thay đổi”.
Đất đai càng đắt đỏ, chật hẹp thì hệ số sử dụng đất ĐT càng cao, mỗi mét vuông đất ĐT phải chịu tải từ vài đến hàng chục tấn bê tông. Ngược lại, tỷ lệ cây xanh quá ít (như ở TP Hồ Chí Minh, mỗi người dân chỉ còn chừng 0,5m2 cây xanh, trong khi nhu cầu ít nhất là 3-4 m2/người).
Các hàng cây xanh xưa kia bị đốn hạ, các vùng trũng chứa nước bị thu hẹp nhường chỗ cho nhà cửa dày đặc. Những tòa nhà cứ theo hướng trung tâm thành phố mà mọc lên, thay vì phân tán.
Trên các khu phố, rất nhiều cục nóng máy lạnh được lắp đặt, phà hơi nóng ra ngoài.
Con đường thảm nhựa mở rộng, vỉa hè, quảng trường bê tông khô khốc cùng xe hơi, xe gắn máy với lượng khói thải ra môi trường không khí ngày một tăng.
“Có thể nói, cái nóng bức khắc nghiệt năm nay khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đã đến lúc phải nhìn nhận và sửa sai trong quy hoạch, bố trí hệ thống ĐT hiện nay”- PGS.TS Lê Anh Tuấn nói.
Cần giữ gìn, tôn tạo diện tích cây xanh, mặt nước cho các đô thị. |
Theo đó, phải có những định hướng mang tính chiến lược cải thiện điều kiện vi khí hậu ĐT, hay xanh hóa ĐT. Bởi lẽ, giá trị sống của một ĐT không phải là những tòa nhà chọc trời mà là những rừng cây, bãi cỏ xanh, gò cây hoa, hồ nước xanh trong xen kẽ với khu dân cư, trung tâm mua sắm, giao dịch, dịch vụ công.
Ở nhiều nước phát triển, họ đã sớm nhận thấy những giá trị này để xây dựng những thành phố trong rừng và rừng trong thành phố; các thành phố đều có những ĐT vệ tinh cách trung tâm 30-60km để có nhiều không gian cho cây xanh, rừng hay trang trại trồng cây ăn trái.
Tất nhiên, việc chỉnh sửa không gian ĐT hiện nay là vô cùng khó khăn, thách thức khi đất chật người đông, nhưng không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn chấp nhận sự đánh đổi.
Trước khi quyết định xây dựng thêm nhiều công trình, đường phố, cần xem lại khả năng điều chỉnh như thế nào, không gian cho cây xanh, cho nước ra sao.
Chẳng hạn những khu đất công chưa có kế hoạch sử dụng thì nên chăng ưu tiên nghĩ đến không gian công cộng với những hồ nước được đào khéo léo, lấy đất đắp thành gò đồi xung quanh, rồi trồng cây lâu năm tỏa bóng mát. Hay những con phố với vỉa hè cần đủ chỗ cho cây xanh.
“Chi phí xây dựng ĐT với không gian xanh, nhiều bóng mát tất nhiên là đắt đỏ; nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra những giá trị khó tính được bằng tiền. Đó cũng là giá trị phát triển xanh, bền vững mà chúng ta cần để lại cho thế hệ mai sau”- PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định.
Theo Quyết định số 3234 ngày 27/12/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển ĐT tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, chỉ tiêu đất cây xanh tại các ĐT đạt 10 m2/người với ĐT loại II; 7 m2/người với ĐT loại III, IV; 3-4 m2/người với ĐT loại V. Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 4-6 m2/người.
Còn theo Quyết định số 752 ngày 31/3/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển ĐT TP Vĩnh Long đến năm 2030, chỉ tiêu đất cây xanh toàn ĐT đạt 11 m2/người, đất cây xanh công cộng khu vực nội thành 7 m2/người. Theo chương trình, TP Vĩnh Long gồm các khu vực phát triển ĐT: khu vực lõi ĐT, khu vực ĐT chuyển tiếp, khu vực ngoại thành, khu vực cù lao An Bình. Trong đó, định hướng vùng ĐT chuyển tiếp được hợp thành bởi các ĐT mới với các kênh rạch bao quanh. Kết nối cây xanh ven các kênh rạch bao bọc khu ĐT mới bên trong ĐT, hình thành trung tâm ĐT mới có tính công cộng cao, giàu cây xanh mặt nước.
|
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202408/xay-khong-gian-xanh-giai-nhiet-do-thi-7b63904/