(VLO) Thời gian qua, các chợ truyền thống trong tỉnh đã được các ngành chức năng quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng, bộ mặt văn minh thương mại từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Chợ truyền thống cần thay đổi để duy trì phát triển cùng các kênh phân phối hiện đại. |
Quan tâm cơ sở hạ tầng
Chợ truyền thống đang chịu sức ép cạnh tranh từ siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi… Hay người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua hàng online vì các chương trình ưu đãi, đa dạng hình thức thanh toán, giao hàng nhanh chóng… đã và đang khiến chợ truyền thống ngày càng gặp khó, dần mất đi ưu thế vốn có.
Trước xu hướng đó, ngành chức năng của tỉnh chú trọng nhiều giải pháp đầu tư, nâng cấp nhằm phát triển chợ theo hướng văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện đại.
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 115 chợ (1 chợ hạng I, 17 chợ hạng 2, 97 chợ hạng III và một số chợ tạm).
Nhằm phát triển hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã xây dựng mới nhà lồng, nâng cấp sửa chữa 13 chợ, đạt gần 87% so kế hoạch, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 38 tỷ đồng (từ nguồn thu của chợ; vốn đối ứng của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; vốn ngân sách của tỉnh).
Đồng thời, xây dựng thêm 2 mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ Cái Nhum (huyện Mang Thít) và chợ Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm); xây dựng 29 điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh ATTP, góp phần nâng chất thực hiện tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn đối với xã NTM, NTM nâng cao.
Trong nửa năm qua, huyện Long Hồ đã nâng cấp 3 chợ với tổng số tiền 635 triệu đồng. Ông Nguyễn Hải Trân- Trưởng Ban Quản lý (BQL) chợ Long Hồ, cho hay: “Chợ Long Hồ có diện tích rộng hơn 1.500m2, là nơi mua bán của gần 280 tiểu thương.
Chợ được quy hoạch xây dựng mô hình chợ ATTP từ năm 2020 với vốn xây dựng 519 triệu đồng, từ nguồn huy động tiểu thương.
Hiện chợ đã cơ bản hoàn thiện một số hạng mục nâng cấp, sửa chữa hơn 85 quầy kinh doanh trong nhà lồng nông sản thực phẩm đạt tiêu chí ATTP, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, bãi giữ xe… góp phần nâng cao mỹ quan đô thị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tiểu thương đối với người tiêu dùng; thực hiện tốt nếp sống văn minh khu vực chợ, đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng niềm tin của người tiêu dùng”.
Phát triển chợ theo hướng văn minh
Ngày nay, bước vào những khu chợ nông thôn, hiếm thấy sự ồn ào, lộn xộn như trước kia, thay vào đó là những gian hàng được sắp xếp gọn gàng; tiểu thương mua bán vui vẻ, giao tiếp đúng mực, hàng hóa được niêm yết giá…
Bà Nguyễn Thị Mến- Trưởng BQL chợ Trà Ôn (TT Trà Ôn, huyện Trà Ôn), cho biết: “BQL chợ đang quản lý 2 chợ Trà Ôn và chợ Vĩnh Xuân với tổng số hộ kinh doanh cố định là 428 và 180 hộ kinh doanh không cố định.
Từ đầu năm đến nay, tại 2 chợ có 437 hộ kinh doanh đăng ký thực hiện xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng. Qua bình xét, có khoảng 86% số hộ đạt danh hiệu mẫu mực, còn lại là hộ đạt danh hiệu tiên tiến”.
Nhà ở Khu 6 (TT Trà Ôn), chị Mỹ Ly chia sẻ, chợ Trà Ôn mới được sửa chữa đường cống thoát nước nên không còn bị ngập sâu mỗi khi trời mưa, bà con đi chợ thuận tiện hơn. Chợ bán hàng hóa đa dạng, các mặt hàng được sắp xếp ở vị trí dễ lựa chọn và người bán vui vẻ.
Là chợ hạng I- chợ Vĩnh Long có trên 2.000 hộ tiểu thương buôn bán 87 ngành hàng, hàng ngày, ngôi chợ này đã cung ứng ra thị trường khoảng 140 tấn rau, củ, quả, thịt, cá…
Ông Phạm Thanh Tùng- Trưởng BQL chợ Vĩnh Long, cho biết: “Để tăng sức hút cho chợ, thời gian qua BQL chợ đã phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, bố trí ngành hàng mua bán; xây dựng các điểm kinh doanh theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết, đảm bảo ATTP; xây dựng chợ văn hóa, văn minh thương mại, thực hiện tốt các quy định về tổ chức quản lý chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường, PCCC…”
Theo ông Phạm Thanh Tùng, thời gian tới, chợ Vĩnh Long sẽ tập trung thực hiện phương án di dời khu vực chợ rau củ, cá để xây dựng tuyến kè chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân.
Đồng thời, BQL chợ tiếp tục khuyến khích tiểu thương ứng dụng thương mại điện tử vào việc kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ; vận động thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng của chợ, từng bước phát triển chợ văn minh thương mại, hiện đại.
“Mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ phát triển chợ Vĩnh Long trở thành điểm kết nối du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Đây là lợi thế, tiềm năng để phát huy giá trị của chợ truyền thống trong xu thế hội nhập”- ông Tùng kiến nghị.
Để chợ truyền thống ngày càng văn minh, hiện đại và thu hút người tiêu dùng, ngành công thương tỉnh đề ra giải pháp thu hút đầu tư, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước.
Tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất trong tỉnh với các tổ chức quản lý khai thác chợ, tạo hệ thống cung ứng hàng hóa đảm bảo ATTP, chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Trong 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh sẽ xây dựng nâng cấp, sửa chữa 10 chợ; thực hiện chuyển đổi 1 chợ từ mô hình BQL sang doanh nghiệp hoặc HTX quản lý khai thác đối với chợ Thuận An (TX Bình Minh). Kiểm tra việc bố trí, sắp xếp ngành hàng tại các chợ, không để tình trạng chợ tự phát lấn chiếm lòng đường, mất mỹ quan; nhân rộng mô hình chợ ATTP… |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202407/xay-dung-cho-truyen-thong-van-minh-hien-dai-3185501/