(VLO) Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, xã Tường Lộc (huyện Tam Bình) là căn cứ địa cách mạng, nơi được nhiều đồng chí cán bộ, lãnh đạo cấp cao về đây hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi có các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân, đào tạo, huấn luyện và tập kết. Tường Lộc còn có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh… đã cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân của tỉnh.
Diện mạo xã Tường Lộc không ngừng đổi mới. |
Thời bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Tường Lộc bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, chung tay xây dựng thành công xã NTM với diện mạo không ngừng đổi mới, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng
Theo ông Lưu Khắc Phối- Phó Chủ tịch UBND xã Tường Lộc, qua nghiên cứu biên niên lịch sử Đảng, xã đã tìm ra những cô chú tham gia kháng chiến qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Trong đó, năm 1972-1973 cô Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân- vợ đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn)- Khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ, Phó Ban Phụ vận khu, về hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long.
Cô đã được gia đình nhà ông Huỳnh Văn Nhân (Tám Hơn) và gia đình bà Dương Thị Hơn thuộc ấp Mỹ Phú 1 (xã Tường Lộc) hết lòng nuôi giấu và đảm bảo giữ an toàn cho đồng chí khi làm việc tại tỉnh.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Huỳnh Văn Thái- con trai ông Tám Hơn. Thời chiến, gia đình ông có công nuôi chứa cán bộ. Ông tham gia cách mạng và bị thương trong một trận chiến, trở thành thương binh 1/4.
Thời bình, gia đình ông tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng NTM. Theo đó, khi biết Nhà nước sẽ đầu tư xây đường giao thông nông thôn, ông Thái xây hàng rào thụt vô trong để tạo thuận lợi cho việc thi công. Đồng thời, hiến 210m² đất để xây đường.
Ông Huỳnh Văn Ba (Ba Thắng)- Bí thư kiêm Trưởng ấp Mỹ Phú 1, cho biết: Thời chiến, chỉ tính riêng ấp Mỹ Phú 1 có đến gần chục hộ nuôi chứa cán bộ cách mạng. Các hộ này đã nuôi giấu và cung cấp lương thực, thực phẩm trong suốt thời gian hoạt động. Thời bình, các hộ này tích cực đóng góp các phong trào ở địa phương.
Ông Ba Thắng nhớ lại, khi mới giải phóng, đời sống kinh tế người dân gặp nhiều khó khăn. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất vất vả vì toàn cầu khỉ, cầu tre và chủ yếu là đường đất… Sau này, “Nhà nước đầu tư làm lộ nhựa theo chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc”- ông Ba Thắng cho hay.
Theo đó, tuyến đường từ cầu Mỹ Phú 1 tới cầu Bằng Tăng, dài khoảng 1.500m, mặt nhựa 3,5m được xây dựng nhờ có sự đồng lòng của người dân trong việc sẵn sàng hiến đất, di dời vật kiến trúc.
Điều phấn khởi là, công tác vận động giải tỏa chỉ diễn ra trong 3 ngày. “Người dân rất mong mỏi có con đường đi lại dễ dàng, nên khi địa phương mở lời là… thống nhất liền”- ông Ba Thắng kể.
Đường được xây dựng hoàn thành, người dân cùng với phật tử chùa Phước Sơn ủng hộ kinh phí để lắp đặt đèn đường thắp sáng với kinh phí hơn 80 triệu đồng, giúp cho việc lưu thông về đêm thêm dễ dàng và an toàn hơn.
“Đường sá thông suốt thì làm cái gì cũng tiện”- ông Ba Thắng nói và cho biết: Có đường đi thông thoáng nên đất ở khu vực này có giá trị hơn trước rất nhiều.
“Hồi xưa, tôi không mường tượng được ấp, xã mình đổi thay như thế này. Giờ nhìn lại quê nhà mình đổi thay không tưởng. Đời sống người dân khá giả hơn trước nhiều, không còn nhà lá lụp xụp mà cất nhà tường, làm hàng rào khang trang.
Nhà nước lo cho dân đầy đủ, hộ nghèo thì được hỗ trợ cất nhà, cùng các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là, có con lộ này tôi mừng dữ lắm, quý quá trời vì không còn phải lo lắng ngập lụt hay sạt lở. Khi xã được công nhận là xã an toàn khu, dân mình còn được hỗ trợ BHYT 100%”- bà Võ Thị Chanh- vợ ông Thái, phấn khởi nói.
Thúc đẩy phát triển kinh tế
“Sau khi giải phóng, người dân bắt tay khôi phục sản xuất. Nơi đây từng trở thành vùng chuyên sản xuất mía và từng có thời gian là xã giàu nhất huyện”- ông Lưu Khắc Phối nhớ lại và cho biết: Thời điểm đó, trồng 1 công mía cho thu nhập bằng 10 công ruộng. Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, toàn xã hơn 20 lò đường, trên 100 lò kết, giải quyết việc làm rất nhiều…
Sau này, công nghệ phát triển, cây mía dần bị mai một. Người dân chuyển ruộng lên vườn trồng cây ăn trái và phát triển nghề làm bánh tráng giấy, thu hút nhiều lao động tham gia với thu nhập ổn định. Hiện, bánh tráng giấy chẳng những có mặt khắp nơi trong tỉnh, mà còn đến các tỉnh bạn.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU của Huyện ủy Tam Bình về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” giai đoạn 2021-2030, xã Tường Lộc triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với diện tích 1.500m².
Bên cạnh, giữ vững mô hình sản xuất cam sành theo hướng VietGAP; mô hình bao tiêu sản phẩm dừa xiêm lục; xây dựng mã số vùng trồng trên cây sầu riêng; duy trì và nhân rộng mô hình nuôi ếch, cá rô
đầu vuông…
Ông Ba Thắng cho biết: Thời gian qua, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Theo đó, đã chuyển phần lớn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả lên vườn trồng cây ăn trái. Hiện, toàn ấp chỉ còn 1ha đất trồng lúa.
Theo ông Lưu Khắc Phối, nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đảng bộ huyện Tam Bình và xã Tường Lộc đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng thành công xã Tường Lộc đạt chuẩn NTM. Sau khi về đích NTM vào năm 2020 đến nay xã tiếp tục giữ vững 19 tiêu chí NTM.
Hiện, BCĐ chương trình xây dựng NTM xã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng chất và giữ vững các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đã đăng ký trong
năm 2024.
Cũng theo ông Lưu Khắc Phối, khi được Chính phủ công nhận Tường Lộc là xã an toàn khu vào ngày 15/6/2024, Đảng ủy, UBND xã cùng Nhân dân rất vui mừng.
Thứ nhất là, tự hào vì qua 2 thời kỳ kháng chiến, bà con xã Tường Lộc đã có công trong việc cưu mang cán bộ lão thành cách mạng để hoàn thành chiến thắng năm 1975.
Thứ hai là, được Nhà nước hỗ trợ 100% BHYT. Sau này, sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất, trùng tu lại những di tích, nơi nuôi chứa cán bộ lão thành cách mạng, bà con rất phấn khởi.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202410/tuong-loc-xa-an-toan-khu-doi-moi-tung-ngay-8ef7799/