Vĩnh Long tập trung hỗ trợ các chính sách để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến. Trong ảnh: Một nhà nuôi yến ở xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít. |
Nghề nuôi chim yến trong nhà có mặt ở Vĩnh Long khoảng từ 5 năm trở lại đây, nghề đang ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người nuôi. Ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững.
Nhiều tiềm năng
Vĩnh Long có tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến bởi điều kiện tự nhiên rất phù hợp với nghề này, như: khí hậu tương đối mát mẻ và ổn định, nhiệt độ trung bình năm từ 27-28OC, không khí trong lành, ít ô nhiễm, có nhiều cây xanh, nhiều kinh rạch, sông ngòi, đồng ruộng lớn, vừa tạo không gian bay thoải mái, vừa mang đến nguồn thức ăn phong phú và dồi dào cho chim yến.
Không gian yên tĩnh, làm tăng khả năng dẫn dụ chim yến về sinh sống và phát triển. Ngoài ra còn tiếp cận đàn yến hiện có tương đối nhiều ở các tỉnh lân cận.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh, số lượng nhà nuôi yến có xu thế tăng. Cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 62 nhà nuôi, tập trung nhiều nhất ở TX Bình Minh và huyện Long Hồ. Đến tháng 5/2023, có 101 nhà yến, phân bố khắp ở 8 huyện, thị xã, thành phố với sản lượng tổ yến cung ứng cho thị trường khoảng 300 kg/năm. Theo đánh giá, phần lớn các hộ nuôi chim yến đều tuân thủ quy định về vùng nuôi, về bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Nghề nuôi yến cần vốn đầu tư lớn để xây nhà cho chim yến ở cùng với thiết bị dẫn dụ chim yến, còn chi phí mua con giống và thức ăn thì không đáng kể, vì chim yến tự đến ở và thức ăn của chúng là côn trùng bay nhỏ trong thiên nhiên, như rầy nâu, rầy xanh, mối, ruồi, muỗi,… đây là những loài dịch hại trong nông nghiệp nên chim yến là loài dùng để bảo vệ mùa màng.
Bình quân, 1 nhà nuôi yến cao 5 tầng có kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng (không kể mặt bằng xây dựng).
Anh Nguyễn Ngọc Hòa (47 tuổi), là quản lý của nhà nuôi yến ở ấp Sơn Đông (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho biết, xây nhà nuôi yến tuy có thu nhập cao nhưng vốn đầu tư lớn, rủi ro cũng cao, sớm lắm là 3-4 năm và có khi 6-7 năm mới có thể thu hồi được vốn. Ở tỉnh khác, có hộ cũng bị lỗ nặng vì xây nhà xong nhưng yến chỉ bay lòng vòng nhà mà không vào ở hoặc vào rất ít.
Nhà yến do anh Hòa quản lý mới đưa vào hoạt động 2 năm, đàn yến vào ở không nhiều, bình quân trong 3 tháng mới thu hoạch 1 lần được 1kg tổ yến, giá tổ yến bán ra là 26 triệu đồng mỗi ký, nếu tổ được làm sạch có giá đến 35 triệu đồng.
Hỗ trợ nghề nuôi phát triển bền vững
Để nghề nuôi phát triển bền vững, thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý để hộ chăn nuôi hoạt động (như cấp phép xây dựng nhà, cấp phép cho nuôi yến…).
Đồng thời cũng quan tâm kiểm tra, nhắc nhở các chủ nhà nuôi yến đảm bảo tuân thủ các quy định trong hoạt động, nhất là về tiếng ồn khi sử dụng âm thanh dẫn dụ, ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực nuôi.
Trên cơ sở Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, ngày 9/9/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 5/2021/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, nhằm điều chỉnh lại các hoạt động chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh và đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.
Đây là cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện, đặc biệt công tác cấp phép, quản lý vùng nuôi. Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến trước ngày 1/1/2025.
Ngoài ra, nghị quyết còn quy định chính sách hỗ trợ về đào tạo, chuyển đổi nghề và hỗ trợ tín dụng khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, trong đó có nhà yến.
Tỉnh ban hành chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể tại Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các doanh nhiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nói chung và nuôi chim yến nói riêng thì được hỗ trợ tín dụng với hạn mức vay vốn không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án; cụ thể: Mức hỗ trợ lãi suất bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ, tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án…
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, với sản lượng nhập khẩu từ 180-300 tấn/năm trong những năm gần đây và sản phẩm tổ yến của nước ta chủ yếu xuất sang nước này.
Cuối năm 2022, Bộ Nông nghiệp-PTNT của nước ta và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, nghị định có hiệu lực từ ngày 9/11/2022. Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao cho quốc gia và các địa phương.
Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các quy định về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp-PTNT và Cục Thú y đến các doanh nghiệp, nhà cung ứng trong tỉnh biết, chủ động tổ chức thực hiện đúng các nội dung của nghị định thư đã ký kết.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG