Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu trái dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài thị trường Trung Quốc, với việc Mỹ vừa công bố mở cửa thị trường với trái dừa sọ Việt Nam sẽ góp phần đưa trái dừa của Việt Nam sớm gia nhập nhóm trái cây xuất khẩu tỷ USD.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi một thị trường nhập khẩu lại có một yêu cầu khác nhau với trái dừa Việt Nam. Nếu Trung Quốc chấp nhận trái dừa khô, thì Mỹ lại chỉ chấp nhận trái dừa tươi và còn phải loại bỏ hoàn toàn, hoặc ít nhất 3/4 lớp vỏ xanh bên ngoài.
Trái dừa Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm trái cây xuất khẩu tỷ USD |
Chuẩn bị cho kỳ kiểm tra thực địa của Trung Quốc, cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, thời gian qua, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có việc cấp mã số vùng trồng để chủ động quản lý, khoanh vùng diện tích trồng dừa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương hướng dẫn cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, tiêu chuẩn để khảo sát và cấp mã số vùng trồng, tiến hành cấp chứng nhận dừa hữu cơ, sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“Các địa phương sẽ chủ động thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói. Sau đó, những vùng trồng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của phía nhập khẩu thì sẽ gửi danh sách về Cục và Cục sẽ đàm phán với các nước để chấp nhận mã số này.
Hy vọng trong thời gian tới, với cách thức quản lý mới, số liệu sẽ thống nhất hơn, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng” – bà Nguyễn Thị Thu Hương nói.
Theo Minh Long/VOV