(Vinhlong.gov.vn) – Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế – xã hội đã đi vào thực chất, với nhiều hoạt động thiết thực, từng bước đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được ưu tiên đầu tư thực hiện, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm như hạ tầng giao thông có tính liên tỉnh, liên vùng, đảm bảo hiệu quả, tính kết nối hệ thống.
Theo đó, thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế – xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản giao các sở, ban, ngành tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 57/NQ-CP. Công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57/NQ-CP được thực hiện hiệu quả; qua đó, góp phần thống nhất quan điểm, mục tiêu hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế – xã hội; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, tỉnh cũng đã triển khai kịp thời các văn bản của Trung ương về phát triển vùng, liên kết vùng; trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 78/NQ-CP và Nghị quyết số 13-NQ/TW), Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050,…
Đối với nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết số 57/NQ-CP có gắn mốc thời gian cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hoàn thành xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023.
Thực hiện Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 52/QĐ-HĐĐPĐBSCL ngày 31/8/2023 của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long; tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Tổ điều phối tỉnh. Tổ điều phối tỉnh Vĩnh Long đã và đang tham gia cùng Hội đồng điều phối vùng thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2024, tỉnh đã nghiên cứu và cùng các tỉnh trong vùng tham gia ý kiến để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hoàn chỉnh, sớm trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phối hợp, triển khai thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu vực năng động, phát triển nhanh, đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước.
Liên kết vùng là vấn đề quan trọng và đã được Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau: chủ động triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội với các tỉnh, thành phố trong vùng: tỉnh Vĩnh Long tích cực phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh triển khai các hoạt động liên kết Tiểu vùng Duyên hải phía Đông nhằm nâng cao liên kết hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong tiểu vùng, mở ra các cơ hội hợp tác chặt chẽ, toàn diện, khai thác tốt nhất lợi thế hiện có của các tỉnh, mang lại lợi ích chung cho cả tiểu vùng. Hoạt động liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng như hạ tầng giao thông của Tiểu vùng từng bước hoàn thiện, nhiều dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng được thực hiện; bước đầu hình thành các dự án sản xuất nông nghiệp có tính liên kết tiểu vùng như hỗ trợ ngành dừa, vùng nguyên liệu nghêu.
Hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 với các lĩnh vực hợp tác trọng tâm như phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại, phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ,…
Đồng thời, tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp thành phố Cần Thơ xây dựng bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa 2 tỉnh đến năm 2030. Nội dung dự thảo hợp tác tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, xúc tiến đầu tư, công thương, giáo dục, lao động, y tế,…
Xây dựng quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch nhằm truyền tải các nội dung chính trong Quy hoạch tỉnh, cung cấp những thông tin cơ bản về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; đồng thời, nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Tỉnh Vĩnh Long hiện đang triển khai thủ tục đầu tư một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh liên quan đến phát triển vùng, liên kết vùng như dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre; dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Đôi, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long nối xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của vùng.
Trong đó, dự án cầu Đình Khao có quy mô lớn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo phương thức đối tác công tư (Quyết định số 1120/QĐ-TTg ngày 08/10/2024), với tổng mức đầu tư (không bao gồm lãi vay) khoảng 2.846 tỷ đồng, được thực hiện theo hợp đồng BOT. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để 2 tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nói riêng và cả đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển toàn diện trong tương lai. Đồng thời, tỉnh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho Vĩnh Long tham gia Dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa các-bon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long”, diện tích tham gia vùng dự án là 20.000 ha, với tổng mức đầu tư ước tính của tỉnh là 367,21 tỷ đồng.
Thành Lợi -Nguồn Báo cáo số: 496/BC-UBND
Nguồn: http://tintuc.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?tabid=3212&ID=266712