Thời gian qua, tín dụng (TD) cho phát triển nông nghiệp (NN) nông thôn chủ yếu dựa vào vốn TD từ ngân hàng, thiếu vắng các định chế tài chính vi mô (quỹ TD nhân dân, các công ty cho thuê tài chính; chính sách bảo hiểm NN đã có nhưng triển khai trong thực tế còn chậm…
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Thúc đẩy TD cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững”, vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.
Hiện ngành NN đóng góp 12% vào GDP. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ TD NN nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,9% của TD chung toàn nền kinh tế. Tính đến hết tháng 9/2024, dư nợ cho vay NN nông thôn cả nước đạt 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, khu vực ĐBSCL khoảng 643.000 tỷ đồng.
Thực tế thời gian qua chỉ ra, đầu tư vào NN nhiều rủi ro, các tổ chức TD vẫn phải huy động từ nguồn vốn thương mại lãi suất cao, nên cho vay với lãi suất còn cao, trong khi khách hàng muốn vay lãi suất thấp. Điều này, theo TS Trần Du Lịch- chuyên gia kinh tế, TD là dựa trên niềm tin, với lĩnh vực NN, rủi ro TD rất cao. Vấn đề là chúng ta đang thiếu các định chế để phát triển bảo hiểm rủi ro cho NN.
Thực tế tại ĐBSCL, dư nợ cho NN công nghệ cao, mô hình NN liên kết chưa có nhiều chuyển biến, các điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp… chưa đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng, nên việc tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp rất khó khăn.
“Doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn, trong khi ngân hàng nói thừa tiền”- Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nêu thực tế. Đồng thời cho biết, hiện đã có rất nhiều chính sách của Trung ương cho 2 nhóm đối tượng HTX và nông dân. Vấn đề là có phát triển bền vững, hiệu quả và lành mạnh không? Bởi đây là điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng.
Nhiều chuyên gia kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần phải trợ cấp cho NN, có thể lồng ghép vào các chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu, NN xanh, chuyển đổi số để tháo gỡ khó khăn. Bởi thúc đẩy TD cho các ngành hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL sẽ góp phần rất lớn thực hiện cơ cấu lại ngành NN theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
N. HOÀNG
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202411/tin-dung-nong-nghiep-9e50787/