(VLO) Thời gian qua, bên cạnh những định hướng, kỹ thuật canh tác phù hợp để giúp nông dân đảm bảo hiệu quả sản xuất, ngành chức năng cũng đã nỗ lực trong khảo nghiệm, tìm ra các giống lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Qua các đợt khảo nghiệm đã có nhiều giống lúa lai đáp ứng được yêu cầu của nông dân, có khả năng chịu hạn và chống sâu bệnh. |
Theo ngành chức năng, BĐKH thời gian qua diễn ra gay gắt, khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông nghiệp, trong đó có nghề trồng lúa. Do đó, việc phát triển các giống lúa lai tạo có khả năng thích ứng với điều kiện vùng đất ĐBSCL đang là một bước tiến quan trọng.
Các nghiên cứu tạo ra những giống lúa có khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh, ngắn ngày và đặc biệt là khả năng thích ứng với BĐKH, giúp nông dân giảm bớt rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mới đây, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (HA-TRI) tổ chức đánh giá các giống lúa trồng khảo nghiệm vụ Hè Thu năm 2024 tại cánh đồng lúa khảo nghiệm thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
75 giống lúa và 7 giống nếp này có chung đặc tính ngắn ngày, năng suất khá cao, phẩm cấp gạo đạt tiêu chuẩn, đưa vào khảo nghiệm các đặc tính về chống chịu sâu bệnh hại, chống chịu khô hạn thiếu nước, chống chịu với xâm nhập mặn và chống chịu với ngập úng.
Theo đó, đã tìm ra 5 giống lúa triển vọng, đạt năng suất cao, ít sâu bệnh trong đợt nắng nóng lịch sử vừa qua gồm Hatri 10, Hatri 7-2-2, Hatri 1-9-2, Hatri 22 và Hatri 9-2-8.
Từ đó, các đơn vị, nông dân cũng đề nghị viện tiếp tục đưa vào sản xuất thử hướng đến sản xuất đại trà, góp phần đảm bảo hiệu quả sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho nông dân trước điều kiện BĐKH hiện nay.
Theo Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, Hatri 10 là một trong nhiều giống lúa thích ứng tốt với BĐKH mà viện lai tạo, nhân giống.
Từ nhiều năm qua, đặc biệt là khi đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2014-2015 diễn ra, viện đã đẩy mạnh khảo nghiệm để tìm ra các giống lúa có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện khắc nghiệt như khô hạn, nhiễm mặn, nhiễm phèn, áp lực dịch bệnh cao. Gần đây là với tình trạng nắng nóng kéo dài.
Đến nay, “ngân hàng lúa giống” của viện lên tới trên 1.000 giống. Trong đó, hàng chục giống đã được cung cấp cho các địa phương ĐBSCL và miền Trung- Tây Nguyên trồng khảo nghiệm; một số giống lúa đã hoàn thành khảo nghiệm và được phép lưu hành.
HTX Nông nghiệp Bình Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là đơn vị đi đầu của tỉnh An Giang thực hiện canh tác giống lúa Hatri 10, một giống lúa được đánh giá cao trong nhiều lần khảo nghiệm do Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL thực hiện.
Nhiều thành viên HTX cho hay, vụ Hè Thu này, nông dân trong HTX càng thấy rõ hơn khả năng thích ứng trong điều kiện nắng nóng gay gắt của giống lúa này.
Ông Đặng Văn Hơn- Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Bình Đức, cho hay: “Lúa nở bụi rất tốt, cây và lá lúa khỏe, chống chịu được với bệnh đạo ôn, kháng được khuẩn. So với ruộng cạnh bên sử dụng giống lúa khác thì tôi thấy ruộng của tôi ít bị dịch hại tấn công hơn”.
GS.TS Nguyễn Thị Lang- Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, cho biết: “Viện đưa bộ lúa tiêu chí phải chịu ngập, chịu mặn, chịu khô hạn và chịu nóng kể cả chống chịu với điều kiện sâu bệnh. Có nơi trồng 3 vụ, có nơi 2 vụ, trồng 3 vụ dễ bị sâu bệnh nhiều.
Chính vì thế viện đưa những bộ giống phù hợp với từng địa phương. Ví dụ An Giang trồng 3 vụ thì đưa giống chịu khô hạn và ngập nhưng ở Kiên Giang thì thêm có mặn. Do đó, phải để cho nông dân biết được trong thời tiết khó khăn như hiện nay thì sẽ có bộ giống lúa sản xuất cho phù hợp”.
Tại Vĩnh Long cũng đã tổ chức nhiều đợt khảo nghiệm để tìm ra những giống lúa lai chất lượng. Trong đó, nhiều giống lúa lai có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, có đặc điểm hình thái phù hợp với nhu cầu sản xuất và sinh thái trồng lúa trên từng vùng riêng biệt của ĐBSCL.
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long), việc khảo nghiệm giống lúa mới là cơ sở để đánh giá tính thích nghi, tiềm năng, năng suất, chất lượng của giống lúa trong điều kiện canh tác tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng và của ĐBSCL nói chung.
Từ đó, làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống lúa gieo trồng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, từng bước đưa các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.
Có thể thấy, với nhiều giống lúa thích ứng tốt với BĐKH đã góp phần đảm bảo và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông dân trước tình trạng BĐKH ngày càng gay gắt như hiện nay, qua đó, tạo ra một hệ sinh thái canh tác bền vững.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/nong-nghiep/202407/tim-giong-lua-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-cho-dbscl-3184720/