(VLO) Tại Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2024 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức tại Vĩnh Long mới đây, KTS Trần Hoài Hiệp, ThS. KTS Mai Minh Nguyệt, ThS. KTS Trần Quốc Nguyên (Vĩnh Long) đã có bài viết đề xuất định hướng quy hoạch theo mô hình nông nghiệp (NN) thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Vĩnh Long.
Theo nhóm tác giả, tích hợp NN vào quy hoạch đô thị (ĐT) Vĩnh Long có thể tạo ra một nền kinh tế ĐT bền vững, phát triển dựa trên các thế mạnh vốn có của mình. Mô hình ĐT NN khuyến khích sự kết hợp hài hòa giữa không gian ĐT và không gian NN, từ đó tạo ra sự linh hoạt trong phát triển kinh tế, đồng thời duy trì sự bền vững lâu dài.
Biến đổi khí hậu gây nhiều thách thức cho quy hoạch, xây dựng đô thị
TP Vĩnh Long là ĐT loại II nằm bên bờ sông Cổ Chiên, thành phố và vùng lân cận có thiên nhiên trù phú, nền NN phát triển lâu đời, có các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, nhiều di tích văn hóa- lịch sử. Cùng với đó, thành phố có vị trí tiếp cận hệ thống giao thông quốc gia, gồm đường bộ, đường thủy và thuận tiện đường hàng không.
Do đó, thành phố có tiềm năng lớn thu hút đầu tư và dân cư để phát triển ĐT, phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, NN quy mô lớn, công nghiệp chế biến… Tuy nhiên, sự phát triển của TP Vĩnh Long hiện chưa tương xứng tiềm năng.
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức cho hạ tầng, quy hoạch phát triển đô thị. Ảnh: TUYẾT HIỀN |
Theo nhóm tác giả, biến đổi khí hậu đang gây ra tác động đáng kể đến TP Vĩnh Long, ảnh hưởng đến môi trường xây dựng và đời sống người dân. Cụ thể, nhiệt độ trung bình ngày càng tăng trong 3 thập kỷ qua, làm gia tăng ứng suất nhiệt lên các vật liệu xây dựng, giảm độ bền và tuổi thọ của các công trình, đồ nội thất và hệ thống trang thiết bị.
Đồng thời, mức tiêu thụ năng lượng để duy trì môi trường nhiệt độ trong các công trình cũng tăng lên khoảng 10-15% so các thập kỷ trước, do đó nhu cầu làm mát ngày càng tăng.
Sự suy thoái của môi trường tự nhiên khiến các di sản văn hóa ở địa phương trở nên dễ bị tổn thương hơn, trong khi việc lựa chọn vị trí xây dựng đang có xu hướng chuyển dịch từ các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng sang các khu vực có vị trí ổn định hơn.
Bên cạnh, nước biển dâng và hiện tượng ngập lụt cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Từ năm 2000 đến nay, mực nước lũ tại sông Cửu Long đã tăng khoảng 15-20cm, dẫn đến ngập lụt ngày càng thường xuyên hơn.
Trong mùa lũ, có những thời điểm diện tích ngập lụt lên tới 20-30% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình, khi hệ thống kỹ thuật trong các công trình dễ bị chập cháy, kết cấu bao che bị bong tróc, và độ bền của các kết cấu chịu lực bị giảm sút.
Các khu vực ven sông và đất thấp cũng bị xói mòn nhanh chóng, đe dọa hạ tầng kỹ thuật và các công trình ngầm. Bên cạnh, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp và lan rộng, gây ảnh hưởng lớn đến NN và nguồn nước sinh hoạt; sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều nơi, làm mất diện tích đất và ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, giông lốc và mưa lớn cũng tác động mạnh mẽ, buộc các công trình tại đây phải sử dụng các vật liệu chống chịu tốt hơn, xây dựng với kết cấu bền vững hơn.
Lượng mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt tại các khu vực trũng thấp, từ đó thúc đẩy việc thiết kế các công trình có nền cao hơn hoặc bố trí thêm tầng gác mái để tránh ngập lụt.
Những tác động này đang đặt ra nhiều thách thức, do đó, quy hoạch ĐT, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của ĐT, hình thái kiến trúc cần phải đáp ứng nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu.
Tích hợp nông nghiệp vào quy hoạch
Là một ĐT lâu đời tại ĐBSCL, TP Vĩnh Long vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển. Nhiều chiến lược đã được đề ra nhưng chưa đem lại kết quả đáng kể. Do đó, ngoài việc khẳng định NN sẽ là cốt lõi, thành phố vẫn thiếu những mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn tiếp theo. Có 3 hướng phát triển chính đã được xem xét, bao gồm phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch và NN.
Trong đó, theo nhóm tác giả, NN là thế mạnh của Vĩnh Long và là nền tảng phát triển của TP Vĩnh Long, với quy mô ĐT vừa phải, mật độ dân số thấp và giữ gìn được không gian xanh, thành phố có điều kiện thuận lợi để áp dụng mô hình ĐT NN.
Để phát triển dựa trên NN tạo được bước đột phá, cần được hỗ trợ bởi các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ, logistics và thương mại. Điều này đòi hỏi cấu trúc ĐT phải thay đổi để phù hợp với mô hình phát triển dựa trên NN.
Bằng cách tích hợp NN vào quy hoạch ĐT, Vĩnh Long có thể tạo ra một nền kinh tế ĐT bền vững, phát triển dựa trên các thế mạnh vốn có của mình. Mô hình ĐT NN khuyến khích sự kết hợp hài hòa giữa không gian ĐT và không gian NN, từ đó tạo ra sự linh hoạt trong phát triển kinh tế, đồng thời duy trì sự bền vững lâu dài.
Việc nghiên cứu và áp dụng mô hình ĐT NN vào quy hoạch phát triển TP Vĩnh Long là một hướng đi mang tính thực tiễn cao. Mô hình này không chỉ phù hợp với các đặc điểm văn hóa và phong tục của người dân địa phương mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, không gian sống và sản xuất NN.
Điều này giúp giảm thiểu các xung đột về lối sống, tạo ra một cộng đồng gắn kết, hợp tác, phù hợp với định hướng phát triển ĐT hiện đại, ĐT thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo nhóm tác giả, trong bối cảnh hiện nay, khi Vĩnh Long còn gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng phát triển công nghiệp và du lịch, mô hình ĐT NN sẽ giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực từ ĐT hóa.
Hơn nữa, mô hình này cũng mở ra tiềm năng phát triển kinh tế dựa trên các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ và thương mại, phối hợp chặt chẽ với nền tảng NN.
Mô hình ĐT NN không chỉ giải quyết các bài toán hiện tại về phát triển bền vững cho TP Vĩnh Long, mà còn là một hướng đi chiến lược để xây dựng một ĐT xanh, thịnh vượng và bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của địa phương.
TUYẾT HIỀN (lược ghi)
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202411/tich-hop-mo-hinh-nong-nghiep-vao-quy-hoach-phat-trien-do-thi-ac9758c/