Các công trình thủy lợi, đê bao, cống đập của tỉnh vận hành hiệu quả để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. |
Thời gian qua, hệ thống công trình thủy lợi (TL) đã từng bước được củng cố, nâng cấp. Ngành TL tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai để bảo vệ sản xuất, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội địa phương.
Đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng TL, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp (NN), đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.
Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt về phát triển TL và quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng TL tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong những năm qua từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhiều hệ thống công trình, công trình TL… góp phần quan trọng, có hiệu quả trong chuyển dịch, phát triển sản xuất NN, nông thôn và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, bình quân mỗi năm, được đầu tư từ 300-400 tỷ đồng (giai đoạn năm 2014-2017), từ 800-1.000 tỷ đồng (giai đoạn năm 2018-2022) để xây dựng mới, duy tu, sửa chữa, nâng cấp khoảng 400 công trình/năm, góp phần tích cực phục vụ cơ cấu lại NN, xây dựng NTM và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước dâng.
Đến nay, tỉnh có hệ thống TL rất lớn với 405 tuyến đê bao (dài 3.642km), trên 14.600m kè chống sạt lở bờ sông được xây dựng, hơn 6.000 cống, đập, 17 trạm bơm điện và gần 4.400 tuyến sông, kinh, rạch tự nhiên các loại (dài hơn 5.326km) được nạo vét, cải tạo kết hợp sử dụng làm công trình TL.
Kết quả đầu tư từ trước đến nay góp phần tạo năng lực phục vụ của hệ thống TL là: đảm bảo tưới tiêu cho 100% diện tích đất sản xuất NN, trong đó khép kín chủ động tưới tiêu 94,24% diện tích (tương đương 112.855ha), trong đó: diện tích khép kín cây lâu năm 48.880ha (chiếm 89,87%), diện tích khép kín cây hàng năm 63.975ha (chiếm 97,88%).
Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục TL cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung duy tu, sửa chữa các công trình TL, đê bao, cống đập để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất NN và dân sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các công trình TL; tiếp tục phối hợp vận hành có hiệu quả hệ thống cống ngăn mặn, tiếp ngọt trên địa bàn, nhằm phát huy tối đa công năng của công trình. Theo đó, các công trình TL đã góp phần ngăn lũ bảo vệ diện tích đất sản xuất NN và nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất.
Tăng cường tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay ngành TL còn gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó, có thể kể đến một số hệ thống công trình TL hiện chỉ được thiết kế để phục vụ cho nền sản xuất NN nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền NN đa dạng và hiện đại. Diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế; hạ tầng TL phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó, nguồn lực phục vụ cho ứng phó tình trạng khẩn cấp và phòng chống thiên tai còn thiếu và yếu; kinh phí đầu tư và đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho công tác này còn hạn chế. Các chính sách hỗ trợ thiệt hại thiên tai, hỗ trợ người dân khôi phục lại nhà ở và sản xuất còn thấp không đủ để người dân tái thiết lại sản xuất…
Ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành NN tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó có lĩnh vực TL đến tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động TL để phát huy vai trò giám sát của người dân, sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện đầu tư các dự án đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026-2030 hoặc giai đoạn sau 2030 từ nguồn vốn đầu tư công và các nguồn khác ngoài đầu tư công.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác công trình, hệ thống công trình TL; ưu tiên các công trình, dự án góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan; áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong NN, giảm phát thải khí nhà kính…
Song song đó, kiến nghị Trung ương sớm ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm làm cơ cở pháp lý để các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện. Hỗ trợ tỉnh tập huấn, huấn luyện các lực lượng tham gia và nguồn lực ứng phó trong tình trạng khẩn cấp trong tình huống thiên tai xảy ra có cấp độ lớn (bão mạnh, triều cường lịch sử).
Đề nghị Trung ương hỗ trợ triển khai rộng ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ về sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL, hỗ trợ các tỉnh, thành về dự báo sạt lở bờ sông, rạch, trước mắt tập trung cho những khu vực sạt lở trọng điểm trên các tuyến sông chính tại các khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, khu quốc phòng an ninh…
• Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202501/thuy-loi-thuc-day-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-65d2f9f/