Năm 2024 là năm các loại hình thiên tai có xu hướng phức tạp và khó dự báo. Bởi đây là năm có sự chuyển pha ENSO từ trạng thái El Nino sang Lanina. Theo đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình thời tiết cũng đã diễn biến phức tạp, khó lường, nắng nóng kéo dài, xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, xảy ra giông lốc.
Để hiểu rõ hơn về tình hình thời tiết mưa, bão và triều cường từ nay đến cuối năm 2024, phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh Vĩnh Long Trương Hoàng Giang.
* Xin ông cho biết đặc điểm chung về thời tiết, khí hậu đặc thù của khu vực tỉnh trong thời gian qua? Có diễn biến thời tiết nào bất thường không, thưa ông?
– Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài từ giữa năm 2023 đến tháng 5/2024 nên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có mùa khô kéo dài hơn so với mọi năm với đặc điểm thời tiết là nắng nóng xảy ra sớm và mùa mưa bắt đầu muộn hơn một chút so với trung bình nhiều năm. Theo đó, nắng nóng kéo dài từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 6, mùa mưa bắt đầu vào khoảng giữa tháng 5. Đáng chú ý trong các tháng 2/2024, tháng 4/2024 và tháng 6/2024 ghi nhận là những tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất lịch sử (so với cùng thời kỳ quan trắc tháng 2, tháng 4 và tháng 6 của chuỗi số liệu từ năm 1991
đến nay).
Theo đánh giá của chúng tôi thì thời tiết trong thời gian qua không có diễn biến nào bất thường vì mùa khô thường đi đôi với tình trạng nắng nhiều và mưa ít là phù hợp với quy luật khí hậu của tỉnh ta.
* Hiện nay đã vào cao điểm mùa mưa bão chưa, thưa ông?
– Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra nhiều ngày mưa diện rộng, có ngày mưa lớn đạt trên 50% số trạm quan trắc. Do chịu tác động của nhiều hình thế tổ hợp gây thời tiết xấu nên thời tiết chủ đạo là ngày ít nắng, chiều và đêm có mưa giông nhiều nơi sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Cho nên, thời điểm này được xem đang bước vào cao điểm của mùa mưa tại tỉnh Vĩnh Long.
* Theo nhận định của cơ quan KTTV, thì xu hướng mưa, bão, triều cường xảy ra ảnh hưởng khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong những tháng tới sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
– Hiện tại, hiện tượng ENSO đang ở pha trung tính và tiếp tục duy trì đến khoảng cuối tháng 8/2024. Từ tháng 9-10/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%.
Từ nay đến tháng 10/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2-4 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6-7 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 3 cơn). Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Bước vào cao điểm của mùa mưa bão nên tổng lượng mưa của thời kỳ này có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-50%, có nơi vượt 70-80%. Khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa diện rộng và mưa lớn, kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như sét, lốc, mưa đá, gió giật mạnh.
* Trước dự báo như trên, ông có lời khuyên, cảnh báo gì đối với chính quyền và người dân, đồng thời, cơ quan KTTV sẽ làm gì để đồng hành, sát cánh cùng địa phương trong phòng chống thiên tai mùa mưa bão?
– Từ nay đến cuối năm 2024, bước vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa mưa, bão, lũ thì các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh.
Về phía cơ quan KTTV, trước diễn biến bất thường của thời tiết, Đài KTTV tỉnh Vĩnh Long xác định sẽ chủ động dự báo sớm, từ xa, dự báo tác động của tình hình thời tiết thủy văn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, chúng tôi sẽ tích cực đồng hành với địa phương và người dân với mục tiêu an toàn cao nhất.
Về phía ngành chức năng cần tăng cường cập nhật và ban hành các bản tin KTTV, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đồng thời người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin thời tiết, thủy văn; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhằm sẵn sàng triển khai các phương án, biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả do thiên tai bất lợi tác động trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!
Dự báo xuất hiện lũ vào tháng 10
* Thời điểm này, lũ ở khu vực thượng nguồn sông Cửu Long đang có xu hướng bắt đầu, ông dự báo thế nào về lũ năm nay?
– Đến thời điểm hiện tại mực nước tại các trạm thượng nguồn sông Mekong đang lên và đã cao hơn cùng kỳ năm 2023; xu hướng lũ năm nay tại ĐBSCL các cơ quan dự báo xuất hiện vào tháng 10; đỉnh lũ tại Tân Châu và Châu Đốc dao động quanh ngưỡng dưới của mức báo động I, các trạm hạ nguồn như Cần Thơ; Mỹ Thuận dao động trên báo động 3 khoảng từ 10-30cm.
|
THẢO LY
(Thực hiện)
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202407/phong-van-thoi-diem-nay-dang-buoc-vao-cao-diem-cua-mua-mua-3185292/