(VLO) Trò chuyện với bạn trẻ khởi nghiệp, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa của nhiệt huyết, trí tuệ, niềm tin, khát khao và mong muốn cống hiến, dấn thân… đang hừng hực cháy. Nhiều bạn trẻ mạnh mẽ bắt tay vào khởi nghiệp không chỉ để làm giàu, mà còn để mang đến những giá trị cho cộng đồng.
Trái tim người trẻ hướng về quê hương
Tại Cuộc thi Ý tưởng và Dự án khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long lần thứ VII năm 2024, nhóm sinh viên Trường ĐH Công thương TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc dành “cúp đúp”- giải nhất cả hạng mục ý tưởng và dự án.
Gia Hùng cùng nhóm bạn xúc tiến thành lập công ty ngay tại quê nhà Vĩnh Long. |
Là người con của quê hương Vĩnh Long, học chuyên ngành Hóa- Mỹ phẩm, Võ Phan Gia Hùng (sinh năm 1999, ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Ý tưởng và dự án khởi nghiệp bắt nguồn từ những loại cây thân thuộc ở quê như gừng, đu đủ, nhãn lồng… Qua quá trình nghiên cứu công phu, mới hình thành và cho ra đời sản phẩm”.
Nói về ý tưởng “Ứng dụng chiếc xuất lá đu đủ trong bọt rửa mặt hỗ trợ giảm mụn”, nhóm khởi nghiệp cho biết, trước thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, trong đó có các bệnh về da… Theo tìm hiểu của nhóm, mụn trứng cá là một vấn đề sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến làn da và chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên, dẫn đến tự ti, stress, ngại giao tiếp…
Gia Hùng với sản phẩm khởi nghiệp từ cây đu đủ đạt giải nhất thi khởi nghiệp. |
“Xuất phát từ nhu cầu cần có sản phẩm chăm sóc da, góp phần giúp giải quyết “nỗi khổ” của khách hàng, giúp tránh tác dụng phụ như một số sản phẩm rửa mặt nguồn gốc hóa học trên thị trường. Đồng thời, nhận thấy tiềm năng thị trường lớn nên nhóm đã nghiên cứu tạo ra sản phẩm bọt rửa mặt”- Gia Hùng nói.
Còn về dự án “Gel tắm thảo dược hỗ trợ giảm viêm da cho trẻ nhỏ từ tinh dầu gừng, muồng trâu và lạc tiên”, Hùng bộc bạch: Dự án là sự tiếp nối sự phát triển giá trị kinh tế của dược liệu tại địa phương như gừng, phát triển tiếp theo từ dự án “Nhang thơm đuổi muỗi từ phế phẩm gừng, tinh dầu gừng” đã từng tham gia và đạt giải cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh trước đây.
Từ việc nghiên cứu, nắm bắt được khả năng kháng khuẩn tốt từ những cây dược liệu nên nhóm đã cho ra đời sản phẩm gel tắm thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe… Theo đó, mong muốn cung cấp nguồn sản phẩm chất lượng mang đậm nét miền Tây, đồng thời, mong muốn góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho
người dân.
Ngay sau khi dành “cúp đúp” tại cuộc thi khởi nghiệp ở Vĩnh Long, nhóm của Gia Hùng tiếp tục rinh giải ba tại Cuộc thi Sinh viên công thương với ý tưởng lần V tại Trường ĐH Công thương TP Hồ Chí Minh. Dự án xuất sắc lọt vào top 20 bán kết cuộc thi khởi nghiệp quốc gia. Háo hức đưa ý tưởng và dự án vào thực tế, Hùng và nhóm bạn xúc tiến thành lập công ty, đặt trụ sở ngay tại quê nhà Vĩnh Long.
Hành trình khởi nghiệp của Hùng và nhóm cộng sự được tiếp sức từ phía trường ĐH, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh Vĩnh Long; từ hiệu quả mời gọi đầu tư, hợp tác… Khi chúng tôi hỏi “Động lực nào thôi thúc em liên tục chinh chiến ở những cuộc thi, học và làm xa quê nhưng lại muốn về quê khởi nghiệp?”. Hùng trả lời: “Theo em, tuổi trẻ thì phải dấn thân. Mong muốn giúp ích cho người dân quê hương, dù chỉ từ những việc làm nhỏ nhất”.
Như Gia Hùng, từ việc nung nấu ý định, nuôi dưỡng đam mê, nhiều bạn trẻ sau thời gian đi học, đi làm… thì quyết định trở về quê hương, bắt tay vào hành trình khởi nghiệp với mong muốn tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế. Đó là Nguyễn Văn Thảo với hành trình nông trại xanh, Nguyễn Hoài An muốn tiến xa hơn trên đồng sả, Nguyễn Trọng Nghĩa với khu vườn công nghệ cao, Nguyễn Văn Bắc với chuỗi giá trị nấm mối đen, tạo sinh kế cho cộng đồng… Hành trang về quê hương của họ đầy ắp nhiệt huyết, lấp lánh yêu thương và tràn đầy niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho bờ bãi, ruộng vườn.
Thổi bùng đam mê
Học ĐH ngành Địa chất, ra trường ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc 5 năm, Trương Chí Triển (SN 1988, ngụ TP Vĩnh Long) trở về quê cùng nhóm cộng sự thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp đa ngành TP Vĩnh Long và bắt tay vào khởi nghiệp với dự án sản xuất và chế biến các sản phẩm từ trái dừa.
Sau thời gian khởi nghiệp, Triển đúc kết, cần có hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về những thành công và cả những thất bại của những người đi trước.
Triển đề xuất “cần thành lập bộ phận chuyên hỗ trợ cho sinh viên để họ có kinh nghiệm, kỹ năng ngay từ khi trên ghế nhà trường để khi tốt nghiệp họ sẽ nắm bắt công việc nhanh, quay lại hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp”. Triển cũng cho rằng, cần có sự liên kết giữa địa phương, nhà trường và doanh nghiệp, HTX… để tiếp sức, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Bạn trẻ hăng say với các ý tưởng và dự án khởi nghiệp. |
Ở vai trò đồng hành với thanh niên, anh Nguyễn Quốc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long chia sẻ, anh rất quan tâm, trăn trở về việc đưa người trẻ sau khi được đào tạo quay về nông thôn, phát huy sở trường về chuyển đổi số, khoa học công nghệ… để góp phần phát triển địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng chương trình khởi nghiệp gắn với hoạt động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ để tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, cũng như thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, những năm qua, tỉnh đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp thường niên, luân phiên tại các địa phương nhằm phát hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiêu biểu trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Số lượng và chất lượng tác phẩm dự thi tăng lên hàng năm, cho thấy tinh thần khởi nghiệp ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Ông Đặng Văn Chính- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn chủ nhân các dự án, ý tưởng khởi nghiệp phát huy tính chủ động, nỗ lực cùng tìm giải pháp làm giàu cho chính mình, làm giàu cho quê hương Vĩnh Long.
Ông đề nghị các ngành các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giúp các ý tưởng/dự án tiếp tục hoàn thiện, tiếp cận các chính sách, các nguồn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh.
Không ngại lội ruộng, băng đồng- khởi nghiệp để góp phần nâng cao giá trị nông sản. |
Dự Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả tích cực về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên, thanh niên Việt Nam thời gian qua, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, để hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của Nhân dân, doanh nghiệp với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Trong đó, cần kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trung tâm khởi nghiệp tại địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia; kết nối địa phương với trường ĐH trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương.
Thủ tướng đề nghị học sinh, sinh viên hãy luôn mang trong mình tinh thần quyết tâm: “Nuôi dưỡng ý tưởng; thổi bùng đam mê; quyết tâm, kiên trì; đương đầu thách thức, chấp nhận rủi ro, lập nghiệp thành công”, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202501/thapsang-ngon-lua-khoi-nghiep-37336fc/