(VLO) Để chủ động ứng phó do các tác động của thời tiết, việc cung cấp kịp thời những thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết là một công việc vô cùng quan trọng và cấp thiết. Những năm qua, công việc của quan trắc viên, dự báo viên luôn thầm lặng, vất vả nhưng lại vô cùng quan trọng, đã và đang góp phần không nhỏ trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cũng như phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Công việc của quan trắc viên, dự báo viên góp phần không nhỏ trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. |
“Bắt mạch”… ông trời
Lặng lẽ, âm thầm, bất kể mưa hay nắng, gió, bão, những người làm khí tượng thủy văn vẫn ngày đêm miệt mài với công việc “đếm gió, đo mưa” của mình, nỗ lực đem đến cho người dân những thông tin chính xác nhất.
Nhiều dự báo viên chia sẻ rằng, dự báo thời tiết là một bài toán khó và phức tạp, nhất là ở các nước thuộc vùng nhiệt đới như Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
Để tạo ra các sản phẩm dự báo thời tiết có độ chính xác cao đòi hỏi dự báo viên phải bảo đảm thu thập đầy đủ các nguồn số liệu cần thiết, kể cả các số liệu, sản phẩm đầu ra của các mô hình dự báo số trị. Đặc biệt nhất vẫn là yếu tố con người, luôn đóng một vai trò trung tâm, trọng yếu trong việc bảo đảm chất lượng dự báo.
Điều đó đồng nghĩa với việc các dự báo viên phải được cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế cũng như ý thức trách nhiệm nghề nghiệp. Bên cạnh đó, phải kiên trì, dành nhiều thời gian nghiên cứu, quan sát các sản phẩm mô hình, tự đúc kết đưa ra những dự báo chính xác nhất có thể.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, anh Trần Quốc Vỹ- dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, chia sẻ: Công nghệ được cải tiến, hiện đại hơn, song thời tiết, thủy văn ngày càng phức tạp, khó lường thì máy móc vẫn không thể nào thay thế hoàn toàn cho con người.
Những khi mưa dông, gió mạnh, sóng lớn, lượng lực cán bộ, nhân viên đạc thủy văn vẫn tiếp tục công việc. Hay khi thời tiết có biến đổi, mưa dông có xu hướng di chuyển tới phạm vi tỉnh thì bằng tìm mọi cách để nhanh nhất cảnh báo được phát đi, chuyển ngay lập tức đến Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thông qua ứng dụng Zalo.
“Mỗi con số, mỗi bản tin là cả một tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp, thái độ phục vụ tận tụy không ngại khó, ngại khổ của những người được phân công trực ca, phát bản tin… với mục đích là để cho cộng đồng tiếp cận, nhận biết sớm hiện tượng nhằm chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để đáp ứng yêu cầu công việc ngày một tốt hơn, bản thân tôi luôn xác định không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước và những đồng nghiệp công tác ở các đơn vị khác”- anh Vỹ chia sẻ.
Nhớ lại kỷ niệm đáng nhớ nhất với nghề, anh Vỹ kể: “Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là vào dịp Noel năm 2017 khi bão Tembin (cơn bão số 16) hướng về Nam Bộ. Trong tâm thế chuẩn bị ứng phó với bão, cả cơ quan đều túc trực 24/24 tại trụ sở, trạm khí tượng đã sẵn sàng nhận lệnh quan trắc số liệu 1 giờ hay thậm chí 30 phút một lần.
Trạm thủy văn vì tính chất trên sông nước nguy hiểm nên phải di dời phương tiện đến nơi neo đậu an toàn hơn. Văn phòng thực hiện công việc thảo luận giữa đầu cầu trung ương và đầu cầu địa phương, cứ cách 3 giờ lại phát hành một bản tin cập nhật vị trí và đường đi của cơn bão.
Thật may cơn bão đi vào vùng biển phía Nam Cà Mau và suy yếu mà không gây thiệt hại gì đáng kể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đó là khoảng thời gian làm việc liên tục 48 giờ để theo dõi và dự báo cơn bão”.
Góp sức để góp phần phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai
Dù vất vả nhưng nhiều người chọn theo nghề khí tượng thủy văn xem công việc “bắt mạch ông trời” là niềm hạnh phúc, bởi, đây không chỉ là nhiều yêu thích công việc mà còn làm đam mê với nghề từ những ngày đầu gắn bó cho đến tận bây giờ.
Chia sẻ về lý do chọn nghề, chị Phượng Nhung- dự báo viên của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh bày tỏ: “Lúc nhỏ tôi hay thắc mắc về những hiện tượng thời tiết như tại sao có mưa, tại sao mưa hay xuất hiện sấm chớp và tiếng sét, tại sao có khi mưa chỉ ào qua rồi ngưng hẳn nhưng lại có những trận mưa kéo dài dai dẳng,…
Để giải đáp những thắc mắc của bản thân nên tôi đã tìm hiểu và quyết định học và theo ngành. Khi làm công việc “bắt bệnh ông trời” này tôi nhận ra còn rất nhiều điều hay, thú vị về thời tiết mà bản thân cần phải không ngừng tiếp tục học hỏi, nghiên cứu, khám phá bởi mỗi ngày thời tiết có sự thay đổi khác nhau mà con người có thể dự báo quả là không dễ chút nào. Đó là lý do tôi càng yêu thích công việc hiện tại.
Tuy thời gian làm việc trong ngành chưa nhiều, chỉ hơn 2 năm, nhưng tôi thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc dự báo đối với địa phương và người dân. Đặc biệt Vĩnh Long là quê hương nên tôi càng muốn cống hiến, đóng góp cho quê nhà qua những bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết để hạn chế những thiệt hại do thời tiết nguy hiểm gây ra cho bà con và giúp mọi người chủ động hơn trong sinh hoạt cũng như sản xuất”.
Theo chị Nhung, những năm gần đây, các hiên tượng thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Để công tác dự báo ít sai sót thì bản thân phải luôn học tập các khóa học công nghệ về dự báo, tăng cường tham khảo các mô hình trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn.
Tham gia các khóa tập huấn, các khóa đào tạo của đài khu vực tổ chức, luôn dành thời gian tự tìm hiểu, học hỏi từ đồng nghiệp-những người giàu kinh nghiệm, kiến thức. Không chùn bước trước những khó khăn, kiên trì, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và công tác dự báo phục vụ địa phương, biết tiếp thu và ứng dụng chuyển đổi số vào công tác dự báo.
Ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, cho biết: Thông tin về thời tiết, thủy văn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống người dân, đồng thời giúp ngành chức năng, địa phương có thông tin sớm nhất để chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết, thủy văn tại địa phương ngày càng phức tạp, khó lường và yêu cầu phục vụ địa phương nên đội ngũ dự báo viên phải làm việc liên tục trong suốt tuần.
Thời gian tới, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh sẽ tăng cường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn chuyển giao công nghệ quan trắc, dự báo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cải tiến và gia tăng giá trị lao động. Bổ sung nguồn nhân lực từ các trường đại học có chuyên ngành khí tượng thủy văn, hải dương hoặc đào tạo tại chỗ những người có sức khỏe, nhanh nhẹn, có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Bài, ảnh: THẢO LY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/thoi-su/202410/tham-lang-nghe-dem-gio-do-mua-23931c2/