(VLO) UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), qua đó nhận diện những thuận lợi, khó khăn trong từng chỉ số thành phần và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó tiếp tục triển khai, tập trung thực hiện các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Nhiều chỉ số thành phần ở Vĩnh Long được doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. |
Nhiều chỉ số thành phần được cải thiện
PCI gồm có 10 chỉ số thành phần với 142 chỉ tiêu. Các chỉ số thành phần được gán trọng số để tính điểm số PCI tổng hợp, tổng điểm tối đa là 100. Trọng số được cập nhật cứ 4 năm một lần nhằm kịp thời phản ánh những chuyển động của môi trường kinh doanh.
Số lượng DN tham gia khảo sát năm 2023 gồm: DN tư nhân, DN mới thành lập, DN có vốn đầu tư nước ngoài với kết quả có 10.676 DN phản hồi.
Theo báo cáo PCI năm 2023, tỉnh Vĩnh Long có 8 chỉ số thành phần đã cải thiện được điểm số so với năm 2022, gồm: gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chính sách hỗ trợ DN; đào tạo lao động. Đồng thời, có 2 chỉ số giảm điểm so với năm 2022 là tiếp cận đất đai và cạnh tranh bình đẳng.
Trong khi đó, năm 2023 là năm thứ hai Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PGI.
Đây là chỉ số tập hợp cảm nhận của DN và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng DN đối với chất lượng quản lý nhà nước về môi trường, cũng như hỗ trợ chính quyền cấp tỉnh đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác môi trường tại địa phương.
Kết quả PGI 2023 tỉnh Vĩnh Long thuộc top 10 tỉnh, thành phố cả nước và hạng 1/13 tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, kết quả công bố PCI năm 2023, VCCI chỉ xếp hạng 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn
đầu PCI.
“Đối với tỉnh Vĩnh Long, tuy không thuộc top 30 tỉnh, thành phố nhưng cũng đã có sự nỗ lực cải thiện trong chất lượng điều hành, thể hiện qua việc đã có 8 chỉ số thành phần đã cải thiện về điểm số so với năm 2022.
Trong đó, có các chỉ số thực hiện tốt như chi phí thời gian, tính minh bạch, gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền tỉnh…
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung, nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, chưa thực hiện tốt tại chỉ số tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng”- ông Lữ Quang Ngời cho biết.
Ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung đi sâu phân tích, mổ xẻ vấn đề để tìm ra nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với các tiêu chí giảm điểm; trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ ra cho được “điểm nghẽn” trong quá trình phân công nhiệm vụ, công tác phối hợp và tổ chức thực hiện. |
Theo Giám đốc VCCI tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam, trong PCI 2023, Vĩnh Long đạt điểm số 65,57 điểm, xếp hạng 48 của cả nước và đứng thứ 10 so với các tỉnh ĐBSCL trước An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu.
Vĩnh Long cũng có nhiều chỉ số thành phần, chỉ tiêu đạt kết quả tích cực như: có 94% DN đánh giá tốt các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ họ dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp (trung bình cả nước 95%); tiếp cận thông tin ở Vĩnh Long nhìn chung thuận lợi hơn nhiều địa phương khác…
Hay Vĩnh Long có 2 chỉ tiêu của chỉ số thành phần chi phí thời gian dẫn đầu cả nước gồm: có 93% DN không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, 93% DN cho biết thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm chi phí cho DN.
“PCI 2023 Vĩnh Long có đến 8 chỉ số thành phần được cải thiện. Đây là kết quả cho thấy Vĩnh Long rất chú trọng, quan tâm và quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện cải thiện PCI trong thời gian quan”- ông Nguyễn Phương Lam chia sẻ.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong ảnh: Một góc KCN Bình Minh. |
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, bên cạnh những điểm sáng như chi phí thời gian, tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh thì nhiều tiêu chí còn bị đánh giá thấp như: đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng.
“Dựa vào kết quả này, chúng ta có thể tìm ra được nguyên nhân tại sao có khoảng cách giữa kỳ vọng của DN và sự đáp ứng, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta có thể tin tưởng PCI của tỉnh sẽ cải thiện tốt hơn trong thời gian tới”- ông Nguyễn Tường Nam cho biết.
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết thêm, để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, Vĩnh Long cần duy trì cam kết cải thiện bằng việc xây dựng các kế hoạch hành động và nhất quán trong những hoạt động cải cách chất lượng điều hành kinh tế, có giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo nghề và chất lượng giáo dục đào tạo tại địa phương.
Đồng thời tiếp tục xây dựng các chương trình cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục đăng ký kinh doanh có điều kiện, PCCC, thanh tra thuế, thanh tra xây dựng, tháo gỡ khó khăn về đất đai; công khai, minh bạch các thông tin, tài liệu về pháp luật và
quy hoạch.
“Tăng cường các kênh phổ biến thông tin truyền thông chính sách. Đồng thời tổ chức đối thoại chuyên sâu theo ngành nghề, địa bàn. Thực hiện định kỳ, đa dạng các hình thức lấy ý kiến, phản hồi câu hỏi của DN nhanh chóng hơn”- ông Nguyễn Phương Lam khuyến nghị.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy tổ chức chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển của địa phương,
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, các hội, hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh.
“Phải xác định việc cải thiện PCI, PGI là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Đây là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Ông Lữ Quang Ngời cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên lắng nghe, đối thoại, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, các kiến nghị, phản ánh của DN theo đúng quy định.
Tăng cường công tác phối hợp, kết hợp trong giải quyết các khó khăn vướng mắc của DN theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm nhằm củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của DN…
Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: “Vĩnh Long vừa công bố quy hoạch với 1 trục động lực và 2 hành lang kinh tế. Do đó, tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ DN mạnh mẽ hơn, bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng để khai thác tiềm năng và thế mạnh của tỉnh theo quy hoạch. Chúng tôi đề xuất, đối với những dự án tác động lớn đến xã hội, môi trường,… bên cạnh những tham mưu của các cơ quan chức năng, đơn vị khảo sát tư vấn thì cần có hội đồng chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học… Từ đó giúp cho lãnh đạo có quyết định chủ trương phù hợp”. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Nguồn: https://baovinhlong.vn/kinh-te/202406/tap-trung-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-3184613/