Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Cảng Vĩnh Long. |
(VLO) Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang từng bước cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức, câu chuyện tăng khả năng hấp thụ vốn, sử dụng vốn hiệu quả cho DN đang là bài toán cần có lời giải từ nhiều phía.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 7/2023, số dư nguồn vốn huy động đạt 49.250 tỷ đồng, tăng 6,02% so với số đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 43.164 tỷ đồng, tăng 3% so với số đầu năm. Tuy nhiên, nợ xấu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 3,01% trên tổng dư nợ cho vay, tăng 1,49 điểm phần trăm so với đầu năm.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, nợ xấu tăng cao tại một số chi nhánh tổ chức tín dụng, tại một số nhóm khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chưa phục hồi, khách hàng vay cá nhân thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản…
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất còn hạn chế, do đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất phát sinh không nhiều, đa số là hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định, không đủ điều kiện được hỗ trợ, một số khách hàng đủ điều kiện từ chối hỗ trợ do tâm lý e ngại các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong khi đó, theo NHNN Việt Nam, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0 %/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.
Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng yêu cầu triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng…
Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0 %/năm so với cuối năm 2022 và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tại hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN” vừa được NHNN Việt Nam và Hiệp hội DN nhỏ và vừa tổ chức, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, có thể nói những giải pháp trên đã thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc đồng hành cùng với DN tháo gỡ khó khăn theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cần nhiều biện pháp để DN tăng khả năng hấp thụ vốn
Theo NHNN Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng vẫn tăng chậm so với cùng kỳ các năm trước với tỷ lệ tăng chỉ 4,73%.
Trong khi đó, theo NHNN Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long, dư nợ cho vay trong quý III tuy có tăng trưởng đầu năm nhưng tốc độ tăng thấp so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do tình hình tiêu thụ hàng hóa của DN giảm nên nhu cầu vay vốn không cao.
Chính vì vậy, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, đang là một bài toán khó, cần các giải pháp đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, hiện nay, phần lớn DN trong tỉnh quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực nhiều mặt hạn chế, sức cạnh tranh không cao, thị trường hẹp nên có sự sàng lọc. Một số DN quy mô lớn hơn trong chuỗi sản xuất, dịch vụ, chế biến nông thủy sản… cũng có sự phục hồi.
Tuy nhiên trước tình hình biến động kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, quan hệ ngoại giao các nước, dư địa tăng trưởng không nhiều, chi tiêu đầu tư công trong tỉnh chưa cao, kết nối kinh tế của tỉnh còn hạn chế… là những nguyên nhân khiến DN còn gặp nhiều khó khăn.
“Để khai thông điểm nghẽn tín dụng, trước hết DN cần phân tích đánh giá đầy đủ cơ hội, rủi ro, cấu trúc lại DN và xây dựng mô hình tăng trưởng thích ứng tốt hơn.
Tận dụng liên kết hợp tác, tham gia vào chuỗi giá trị của các DN trong tỉnh và ngoài tỉnh có sức cạnh tranh cao. Nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ vào DN tạo ra sản phẩm đặc thù mới, dịch vụ mới.
Đồng thời tìm kiếm thị trường mới, định hướng mô hình kinh doanh tiết kiệm chi phí hơn, hoạt động minh bạch hơn, ít rủi ro hơn…”- ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, lãnh đạo một DN mạnh dạn đề xuất trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thông tin tín dụng và chính sách lãi suất đối với DN, đảm bảo thực hiện đúng quy trình trước khi giải ngân, đồng thời rút ngắn quy trình thẩm định tín dụng.
Cần phát huy vai trò tư vấn cho các DN, vai trò tư vấn về quản lý tài chính, lập hồ sơ và lập dự án vay vốn ngân hàng để khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, đây cũng là cách hiệu quả đảm bảo DN trả nợ đúng hạn.
Thực hiện đúng các quy định pháp luật về các điều kiện cho vay, không phát sinh các điều kiện, chi phí bất hợp lý, tăng cường kiểm tra giám sát nội bộ về các thủ tục có thể gây khó khăn, điều kiện cho vay có kèm theo các hợp đồng bảo hiểm, phí…
Theo ông Nguyễn Tường Nam, để góp phần “khai thông” điểm nghẽn tín dụng cho DN, các tổ chức tín dụng cần giám sát tình hình sử dụng vốn vay của DN sau khi giải ngân theo quy định, đảm bảo vốn vay sử dụng đúng mục đích, giảm tỷ lệ rủi ro, góp phần tăng hiệu quả điều hành tiền tệ, kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
“Đặc biệt là tăng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, có kế hoạch huy động vốn phù hợp, tăng năng suất lao động, ứng dụng chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí… Từ đó có cơ sở cấp vốn vay với lãi suất rẻ hơn cho DN”- ông Nam nói.
Cuối tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo một số giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN, yêu cầu NHNN Việt Nam giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Đồng thời, khẩn trương thanh tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong hoạt động cấp tín dụng, rà soát toàn bộ thủ tục, điều kiện cấp tín dụng để tăng nhanh khả năng tiếp cận tín dụng của DN, người dân, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY